Làm... dì ghẻ, cha dượng đâu có dễ
Bạn định kết hôn với một người đã có con riêng? Hãy nhớ rằng cuộc hôn nhân này có hạnh phúc hay không phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa bạn và những...
Con không muốn có... dì ghẻ đâu
Anh ấy 45 tuổi, vợ mất vì bệnh đã 7 năm. Thấy cảnh gà trống nuôi con, bạn bè tìm cách vun vén cho anh và một nữ y tá đã 36 tuổi nhưng chưa lập gia đình. Hai người rất hợp nhau sau vài lần gặp gỡ, hẹn hò. Cô ấy cũng được gặp mặt con gái 10 tuổi xinh xắn, bé bỏng của anh. Lần đó, 2 "cô cháu" trò chuyện vui vẻ, thoải mái. Lần thứ hai, cả hai còn hẹn hò lần... sau đi picnic rất hào hứng. Anh đã nghĩ tới một tương lai tốt đẹp cho gia đình nhỏ của mình.
"Ba đừng đi chơi với cô ấy nữa. Con không muốn có... dì ghẻ đâu". Đó là "lời phán" đanh gọn của con bé sau chuyến picnic mà với 2 người lớn là rất vui vẻ và hạnh phúc. Hóa ra, khung cảnh hữu tình của núi rừng, suối thác... đã làm cho anh không kiềm chế được tình cảm của mình và đã... hôn cô ấy! Hóa ra, con bé vô tình bắt gặp nụ hôn ngọt ngào của cha và "người lạ" đó nên bỗng chốc giận dỗi, xầm mặt lại và đòi về cho bằng được. Cô ấy làm lành cách nào cũng không được.
Sau lần đó, anh cũng tìm cách cho con gái hiểu chuyện giữa 2 người, thậm chí "vận động" luôn nhà ngoại (ba má vợ cũ) giúp sức nhưng vô hiệu. Bà ngoại tỉ tê tâm sự thì cháu nói: "Bây giờ chưa có gì thì dì còn ngọt ngào, khi làm dì ghẻ sẽ ghét con, hành hạ con thì sao?". Bà ngoại thương rể nhưng cũng khó trả lời câu hỏi chính đáng của cháu.
Nhưng rồi con bé bị bệnh nặng phải nhập viện. "Dì ghẻ" là y tá đã tận tình vào bệnh viện chăm sóc suốt ngày đêm. Ngay lúc anh phải đi công tác xa, nên mọi sự đều nhờ cô ấy lo toan tất cả. Có lẽ, tình cảm chân thành của cô đã làm đứa con gái 10 tuổi chạnh lòng. Ngày anh đón con về, "dì ghẻ" ở nhà nấu dùm anh bữa cơm cho 2 cha con. Sau khi mọi thứ xong xuôi, cô ấy chuẩn bị ra về, bỗng con bé lên tiếng: "Dì ơi! ở lại ăn cơm luôn nha dì". Hóa ra trong cái rủi có cái may. May hơn nữa là cô ấy đã bộc lộ được chân tình của mình, khiến cô bé không còn lo lắng gặp phải "kế mẫu" đáng sợ như tưởng tượng.
"Nếu mẹ lấy chú ấy thì cho con về ở với ông ngoại"
Một cô giáo 38 tuổi, ly hôn đã 6 năm nhưng vẫn không dám "đi bước nữa" vì chỉ sợ thằng con 8 tuổi của mình khổ. Chị từng quen một giảng viên đại học, góa vợ, có 1 con trai 10 tuổi. Hai cái "rơ moóc" của anh chị chỉ mới gặp nhau 1 lần đã "lườm nhau". Tìm đủ cách cho chúng xáp lại chơi với nhau kiểu gì cũng không được.
Tính anh ấy lại nghiêm túc, đám trẻ làm gì sai là la mắng rất dữ. Nhưng nghe la mắng con "anh ấy" thì không sao, la mắng "con mình" thì chị thấy khó chịu sao sao. Một lần nó bảo mẹ: "Nếu mẹ lấy chú ấy thì cho con về ở với ông ngoại". Chị nghe con nói, nước mắt lưng tròng, ôm con hứa không lấy ai cả, chỉ cần mẹ con có nhau thôi.
Bạn thấy đó, chớ coi thường "phần tất yếu" này của cuộc sống mới. Tốt nhất là nên gây dựng tình cảm với đứa trẻ ngay từ khi mới bắt đầu như cô y tá ở câu chuyện trên. Nếu bạn làm hỏng khâu này, về sau sửa lại rất khó, thậm chí không sửa được.
Có những người yêu rất thật lòng một người đã từng kết hôn nhưng lại không sao yêu thương nổi đứa con riêng của họ. Càng phức tạp hơn khi cả hai cùng có con riêng và sẽ trở thành bi kịch nếu mỗi người chỉ yêu được con mình, còn con của người kia chỉ muốn đẩy đi cho khuất mắt.
Ở đời, có những khó khăn không phải chúng ta không có khả năng khắc phục nhưng vì không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề nên chúng ta không chịu đầu tư công sức vào đó. Bước khởi đầu rất quan trọng, bạn cần tạo điều kiện cho người yêu "chinh phục" con riêng của mình trước khi về chung sống một nhà.
Mặt khác, cha mẹ bao giờ chẳng yêu con, nên chỉ nhìn thấy mặt tốt của con mà dễ bỏ qua những khuyết điểm của nó. Trong khi người bạn đời mới thường khách quan hơn và vì vậy họ đánh giá đứa trẻ đúng hơn. Điều này khiến cho hai bên nghi ngờ nhau. Bởi vì tình yêu của cha mẹ dành cho đứa con do mình sinh ra là bản năng, còn sự gắn bó giữa cha dượng hay dì ghẻ với con mình có tính chất xã hội. Vì thế mối quan hệ này không tự nhiên mà có. Nó phải được gieo trồng, nuôi dưỡng mới nảy nở và phát triển được.
Muốn như vậy, người trong cuộc phải có lòng bao dung, độ lượng mới yêu thương được đứa con không phải máu mủ của mình. Và chỉ khi nào bạn gây dựng được tình cảm tốt đẹp như thế mới là cơ sở vững chắc cho cuộc hôn nhân thứ hai hạnh phúc lâu bền.
Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/tam-su/lam-di-ghe-cha-duong-dau-co-de-20220701131519937.htm