Lâm Đồng: Đàn lợn vẫn tăng trong bão dịch
Trong khi tại các địa phương, dịch tả lợn châu Phi làm giảm đáng kể số lượng đàn lợn, thì tại Lâm Đồng, trong bão dịch, tổng số đàn lợn vẫn tăng tới 22.400 con, tập trung chủ yếu ở các trang trại lớn.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng) cho biết, Lâm Đồng là tỉnh thứ 60 trên cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Vào thời điểm 15/7/2019, dịch bắt đầu bùng phát tại địa phương, tổng đàn lợn còn trên 356.000 con. Nhưng tới thời điểm này, tổng đàn lợn lại tăng lên gần 378.500 con, tập trung chủ yếu ở các trang trại lớn thuộc các huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đức Trọng…
Tính tới thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 54.000 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi bị tiêu hủy. Trong số đó, địa phương thiệt hại lớn nhất là huyện Đức Trọng với trên 21.000 con, chiếm 27,5% tổng đàn; huyện Cát Tiên 6.600 con, chiếm tới 45% tổng đàn; huyện Di Linh 6.200 con chiếm 21,6% tổng đàn.
Hiện giá lợn hơi trên địa bàn đã tăng khá cao so với thời điểm chưa có dịch, cụ thể từ 38.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 7, nay đã tăng lên 55.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi đang có nhu cầu tái đàn thật nhanh.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Hiện 2/12 địa phương của tỉnh chưa xuất hiện dịch. Nhờ công tác tuyên truyền, mặc dù có tới trên 52.000 con mắc bệnh và tiêu hủy, nhưng trên địa bàn không còn tình trạng người dân thả xác lợn trên sông suối gây lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tổng đàn lợn vẫn tăng tới trên 22.000 con trong thời gian bùng phát dịch, đảm bảo đủ nguồn thịt cung cấp cho thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới…
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các ban ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch; chuẩn bị đầy đủ hóa chất tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại, không có lý do nào để thiếu hóa chất; tiếp tục thực hiện quyết liệt các kế hoạch của UBND tỉnh về phòng chống dịch; chủ động xử lý dịch bệnh, không chờ chỉ đạo của cấp trên; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại theo đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh bên trong tỉnh và ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài tràn vào….
Đặc biệt, chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng là không khuyến khích tăng đàn, tái đàn; chỉ tái đàn ở những trang trại an toàn, quy mô lớn; chỉ tái đàn sau khi hết dịch 30 ngày. Khi tái đàn cần bảo đảm áp dụng theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; không tái đàn ồ ạt, từng bước tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở…
Từ đầu tháng 10 đến nay, giá thịt lợn tại các tỉnh thành ba miền Bắc - Trung - Nam đều chung xu hướng tăng mạnh. Tại miền Bắc giá thịt dao động ở mốc 58.000-65.000 đồng/kg ở tùy từng địa phương. Tại miền Trung và miền Nam, giá thịt lợn hơi cũng đã chạm mốc 51.000-54.000 đồng/kg. Một chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định, giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg