Lâm Đồng: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP qua sàn thương mại điện tử
Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đề xuất đưa 177 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.
Ngày 13/4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã đề xuất đưa sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử đối với 177 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao và 31 sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Cụ thể, các sản phẩm được đề xuất thuộc nhóm hàng may mặc, đồ uống, thực phẩm, trang trí nội thất… được sản xuất tại các địa phương trong tỉnh; trong đó thành phố Đà Lạt có 57 sản phẩm với các mặt hàng tiêu biểu như hồng treo gió, dâu tây tươi, trà atiso, khoai tây Đà Lạt, cà phê arabica Cầu Đất, một số loại củ quả cấp đông…
Các sản phẩm còn lại thuộc địa bàn huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đam Rông, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc với mặt hàng sử dụng tươi và cả sau chế biến như hạt mắc ca sấy, cà chua sấy, bột rau củ các loại, nước cốt phúc bồn tử, rau củ quả sấy giòn…
Ngoài sản phẩm xếp hạng OCOP, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đề xuất các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên sàn thương mại điện tử như hoa cắt cảnh các loại (sản lượng 3,8 tỷ cành/năm), rau các loại (sản lượng 2,7 triệu tấn/năm) và một số loại nông sản như chè, cà phê nhân, sầu riêng, bơ.
Theo thống kê năm 2022, kinh tế số của Lâm Đồng có những bước tiến mới và đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Cụ thể, số hộ sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ trên 74.000 hộ; trong đó có hơn 800 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ.
Tỉnh Lâm Đồng xác định, thời gian tới, sản phẩm OCOP vẫn đóng vai trò quan trọng trong khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương trình cũng sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 250 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp Quốc gia.
Tỉnh này cũng củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Phấn đấu từ 30 - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử... và hướng đến xây dựng mỗi huyện, thành phố ít nhất một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Lâm Đồng sẽ tập trung huy động nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; cùng với các nguồn vốn cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại; vốn hỗ trợ sản xuất của UBND cấp huyện; vốn đối ứng của các chủ thể tham gia để tăng cường tập huấn kiến thức chuyên môn về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh đối với lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia chương trình OCOP trên địa bàn. Đồng thời mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP Lâm Đồng trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, sẽ “Phát triển sản phẩm OCOP Lâm Đồng có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững trên địa bàn giai đoạn năm 2022 - 2025…” (định hướng của Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng).
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)