Lâm Đồng: Địa phương phải thực sự đồng hành, công bằng cùng doanh nghiệp

Ngày 22/6/2024, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết. Đồng chí Nguyễn Thái Học - quyền Bí Thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí Thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí Thư Tỉnh ủy Lâm Đồng chủ trì Hội nghị

Theo đó, thực hiện Chương trình hành động của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Chương trình công tác tháng 6/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng; buổi gặp mặt, đối thoại thẳng thắn hai chiều khiến các doanh nghiệp thêm tin tưởng; lãnh đạo tỉnh đặt quyết tâm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các huyện; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành: Kế hoạch Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên - Môi trường; GTVT; Công thương; Xây dựng; NN&PTNT; LĐ-TB&XH; VH-TT&DL; Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Hội nghị làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh có khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.

Một số doanh nghiệp thẳng thắn nêu ra những bất cập, trì trệ, né tránh của một số sở, ban, ngành, UBND các cấp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư. Cùng đó, một số doanh nghiệp chỉ ra những bất cập về công tác quản lý, thiếu nhất quán của các sở, ban, ngành, những người có thẩm quyền tại địa phương khiến doanh nghiệp gặp khó khăn...

Nhà đầu tư kiên trì nhất với tỉnh Lâm Đồng là dự án nghìn tỷ Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn Madagui (ở thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai), có giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư theo đuổi dự án này từ 24 năm trước; cho đến nay, dự án vẫn chưa chính thức đi vào hoạt động do một số lý do chủ quan và khách quan từ địa phương và phía nhà đầu tư. Chỉ hơn 3 tháng gần đây, từ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, dự án này khởi động gần hết 6 đầu việc còn tồn đọng nên nhà đầu tư có nhiều vấn đề chia sẻ với địa phương.

Chủ trì Hội nghị, đồng chí quyền Bí thư Tỉnh ủy thể hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền cao nhất, truy và kết luận ngay các vấn đề, vướng mắc hai chiều giữa chính quyền với các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần làm ngay, không chậm trễ; vấn đề nào được hay không được phải trả lời, xử lý ngay trong thời gian ngắn nhất - trong tháng 6, chậm nhất trong hai tháng nữa, không để dây dưa kéo dài, gây ảnh hưởng tâm lý, môi trường đầu tư. Do thời gian có hạn, đồng chí yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể gửi thắc mắc, kiến nghị bằng văn bản đến Thường trực Tỉnh ủy hoặc tại các buổi tiếp dân định kỳ hàng tháng do ông chủ trì. "Phải thực chất, với những vấn đề, vụ việc cụ thể. Chúng tôi mong doanh nghiệp có những góp ý với chúng tôi", quyền Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu ý kiến

Đại diện một doanh nghiệp phát biểu ý kiến

Kết luận Hội nghị, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học ghi nhận những ý kiến rất thẳng thắn, tâm huyết, niềm tin của các doanh nghiệp khi đầu tư vào Lâm Đồng. "Phải có tình cảm, niềm tin yêu với địa phương các nhà đầu tư mới đầu tư vào đây, mới kiên trì đeo đuổi các dự án; có những dự án kéo dài nhiều năm, những vướng mắc chủ quan, khách quan cần phải được tháo gỡ; cần thiết phải có văn bản trình Chính phủ, Quốc hội để giải quyết cho các nhà đầu tư.

Có những dự án không thể thiếu vắng trên địa bàn, chính quyền các cấp, các sở ban ngành phải kịp thời tham mưu, hỗ trợ nhà đầu tư.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Buổi làm việc hôm nay trên tinh thần cầu thị, đồng hành với doanh nghiệp. Tỉnh muốn phát triển phải có doanh nghiệp đồng hành. Doanh nghiệp phát triển, các ngành phải tạo điều kiện. Thời gian qua, có những khó khăn chung tác động đến các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư công khai, minh bạch. Các ngành, tỉnh, phải nhìn thấy thực tế môi trường đầu tư chưa minh bạch, rõ ràng, có những sai phạm của người có trách nhiệm, có thẩm quyền nên chúng ta mất cán bộ, doanh nghiệp bị xử lý sai phạm. Thời gian tới, chúng ta phải có một môi trường đầu tư công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả...

Những tồn tại, hạn chế của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, như chưa làm tốt, chưa làm tròn nhiệm vụ của mình; chậm xem xét giải quyết các đề nghị chính đáng của các doanh nghiệp cần khắc phục; tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Sự phối kết hợp giữa các cấp, chính quyền với doanh nghiệp có nơi, có lúc chưa tốt, chưa thể hiện sự chia sẻ, thân thiện, đồng hành với các nhà đầu tư... Đề nghị các sở ngành, ủy ban các cấp phải có thiện chí, cùng phối hợp giải quyết. Nếu chỉ làm đúng nhiệm vụ, đúng quy định thì không phải chia sẻ, thân thiện.

Trong quá trình đầu tư vào Lâm Đồng, một số doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, bị xử lý, một số công trình phải tháo dỡ; cán bộ sai phạm bị xử lý... Chính những điều này làm cho môi trường đầu tư không đảm bảo. Một môi trường đầu tư lành mạnh là phải tuân thủ các quy định pháp luật. Phải công bằng, rõ ràng, minh bạch.

Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp trên cơ sở luật pháp. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện phương châm: Cái gì đúng thì làm, không đúng không làm, ai làm sai thì xử lý theo pháp luật. Các cấp từ tỉnh đến cơ sở tôn trọng pháp luật, phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Sự đồng hành này phải thống nhất trong suy nghĩ, trong nhận thức, trong hành động. Khi doanh nghiệp làm đúng pháp luật thì chính quyền phải bảo vệ. Các cơ quan, người có trách nhiệm không thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhũng nhiễu, trì trệ, đùn đẩy... phản ánh với tỉnh. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không thực hiện đúng bổn phận, chức trách của mình.

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lam-dong-dia-phuong-phai-thuc-su-dong-hanh-cong-bang-cung-doanh-nghiep_163838.html