Lâm Đồng định hướng trở thành đầu tàu, cửa ngõ Tây Nguyên
Để không chỉ dẫn đầu mà còn là cửa ngõ Tây Nguyên, Lâm Đồng sẽ đầu tư các khách sạn cao cấp cùng những khu mua sắm đẳng cấp; ưu tiên xây dựng cảng cạn, trung tâm logistis; phấn đấu khởi công 2 dự án cao tốc đúng dịp chào mừng Giải phóng miền Nam 30/4/2025…
Thông tin với báo giới nhân dịp đầu năm 2025, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, cho biết rất tâm tư, trăn trở bởi những câu hỏi: Tại sao tăng trưởng kinh tế Lâm Đồng lại thấp, tại sao thu hút đầu tư chưa cao? Tại sao thu ngân sách chưa đạt?…
“Vừa qua, tỉnh rà soát rất kỹ lý do các nhà đầu tư đến Lâm Đồng rồi không thực hiện được dự án, lý do người dân phàn nàn về thủ tục hành chính, vì sao giải ngân đầu tư công lại chậm, thu ngân sách chưa đạt, tốc độ tăng trưởng chậm”, ông Thái nói.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đồng thời đưa ra những gợi mở, hướng đi cho Lâm Đồng trong năm 2025 và những năm tiếp theo với những cực tăng trưởng được định hướng rõ ràng.
Thứ nhất, theo ông Trần Hồng Thái, tỉnh Lâm Đồng tạo động lực từ 2 dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc; Bảo Lộc – Liên Khương. Những khó khăn nhất liên quan tới 2 dự án này như: hồ sơ thiết kế, hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM), việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vướng mắc liên quan tới quy hoạch khoáng sản… đã được tháo gỡ. Việc lấy ý kiến các bộ, ngành cũng cơ bản hoàn thành. Với tiến độ này, trước Tết âm lịch 2025, thủ tục sẽ hoàn thành để sớm tuyển chọn nhà đầu tư.
Ông Thái cam kết sẽ nỗ lực hết sức để khởi công 2 dự án cao tốc đúng dịp 30/4/2025.
Thứ hai, tỉnh tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới quy hoạch. Người đứng đầu UBND tỉnh Lâm Đồng thừa nhận, quy hoạch là một trong những vướng mắc cản trở sự phát triển của địa phương. Thực tế, công tác lập quy hoạch còn thiếu đồng bộ, còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, quy hoạch khoáng sản… Thời gian qua, các sở, ngành đã tích cực vào cuộc tháo gỡ. Nhìn chung, 4 tháng cuối năm 2024, Lâm Đồng đã tập trung đẩy nhanh hoàn thiện các quy hoạch để những tháng đầu năm 2024 sẽ hoàn thành quy hoạch.
Thứ ba, Lâm Đồng khai thông nguồn lực Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm. Ông Trần Hồng Thái kỳ vọng biến khu du lịch Hồ Tuyền Lâm thành di sản vô giá. Theo đó, tỉnh sẽ sớm rà soát, xử lý thu hồi những dự án chậm tiến độ, lập quy hoạch kinh doanh trên mặt hồ để xây dựng công viên mặt nước đẹp, đẳng cấp, xứng tầm.
Thứ tư, tỉnh nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chia sẻ đã có những nhà đầu tư lớn, tiềm năng, là những “đại bàng” đến địa phương khảo sát, cam kết đầu tư. Trong quý I/2025, tỉnh sẽ cơ bản tháo gỡ các vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
Thứ năm, Lâm Đồng nâng tầm du lịch Đà Lạt nói riêng, du lịch cả tỉnh nói chung. Theo Chủ tịch Lâm Đồng, năm 2024, tỉnh nhà đón hơn 10 triệu lượt khách nhưng doanh thu từ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Những thành phố lớn của Lâm Đồng như Đà Lạt, Bảo Lộc còn thiếu dịch vụ phục vụ du khách, khách du lịch vẫn thiếu chỗ vui chơi… Hay nói cách khác, du khách thiếu chỗ tiêu tiền.
“Du lịch Lâm Đồng phải là du lịch chất lượng cao, chúng ta chưa có nơi mua sắm đẳng cấp, chưa có khách sạn cao cấp, kinh tế đêm chưa phát triển mạnh… Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư khách sạn 6 sao, khu mua sắm cao cấp tại Đà Lạt, Bảo Lộc và trong quý I/2025 sẽ có công trình khởi công", ông Trần Hồng Thái nói.
Để kết hợp phát triển du lịch nghỉ nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương sẽ tập trung, ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm như bệnh viện cao cấp, khách sạn cao cấp, khu mua sắm đẳng cấp, trường học… Ngoài thương hiệu Festival Hoa sẽ xây dựng thêm thương hiệu lễ hội âm nhạc quốc tế cho Đà Lạt, khơi dậy đội bóng tỉnh nhà.
Thứ sáu, tỉnh đầu tư cảng cạn, phát triển dịch vụ logistis. Ông Trần Hồng Thái khẳng định để Lâm Đồng không chỉ là đầu tàu mà còn là cửa ngõ Tây Nguyên trong 5-10 năm tới thì cần phát triển cảng cạn, dịch vụ logistis. Hiện nay, Liên Khương là sân bay quốc tế duy nhất ở Tây Nguyên, sắp tới, Lâm Đồng sẽ làm việc với với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để sớm mở rộng sân bay.
Ngoài ra, Lâm Đồng cũng đã lên kế hoạch đầu tư cảng cạn tại huyện Đức Trọng, gần sân bay Liên Khương để tăng tính kết nối, liên kết cũng như thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, trong năm 2025 sẽ khởi công 3 nhà máy xử lý rác công nghệ cao với công suất trên 500 tấn/ngày nhằm đảm bảo an ninh môi trường, tính toán các hồ chứa nước để đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm đạt tăng trưởng kinh tế 10% năm 2025, tạo sức bật cho sự phát triển giai đoạn mới. Tỉnh cũng mong muốn thành lập trung tâm chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả điều hành cao nhất.
Thứ bảy, nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế Lâm Đồng và để gia tăng nguồn thu từ trụ đỡ này, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản như bơ, sầu riêng, cà phê… Đồng thời gia tăng liên kết chuỗi để hàng hóa sản xuất nhỏ lẻ vẫn có thị phần phát triển.
“Toàn hệ thống chính trị Lâm Đồng đang làm việc với tinh thần cao nhất, quyết liệt nhất. Nguyên tắc, tinh thần chung là cần gì cho tỉnh, làm sao cho Lâm Đồng giàu hơn, đẹp hơn, có lợi cho người dân chúng tôi quyết tâm bảo vệ”, Chủ tịch Lâm Đồng Trần Hồng Thái khẳng định.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, chưa bao giờ trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng phải đối mặt với khó khăn, thách thức như năm 2024. Nhưng với sự đoàn kết, bản lĩnh, quyết tâm, tỉnh đã cố gắng sớm ổn định tình tình, vượt qua khó khăn, thử thách và bứt phá vươn lên. Năm 2025 tỉnh đặt ra chương trình phát triển kinh tế - xã hội với 4 nội dung trọng tâm: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng từ 9 - 10%; phấn đấu thu ngân sách từ 14.500 – 15.000 tỷ đồng; đặt ra 21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng. Với phương châm “nhanh nhạy, năng động; đổi mới, đột phá; tăng tốc, phát triển”, tỉnh Lâm Đồng quyết tâm đặt ra các chỉ tiêu để phấn đấu, góp phần cùng cả nước tăng trưởng 2 con số.