Lâm Đồng: Dự án tổ hợp bauxite khổ vì nằm trên đất có… bauxite
Hai dự án hồ chứa của Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng chưa thể triển khai vì nằm trong diện tích quy hoạch khoáng sản, cụ thể là bauxite.
Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo UBND tỉnh về việc xem xét đề nghị giải quyết khó khăn và đề xuất thủ tục thực hiện các dự án đầu tư, duy trì sản xuất thuộc dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng.
Dự án này ở huyện Bảo Lâm, có diện tích mỏ khai thác hơn 1.619 ha, nhà máy tuyển quặng 67 ha, nhà máy máy alumin 100 ha với công suất thiết kế 650.000 tấn/năm, vận hành chính thức vào tháng 10-2013.
Theo kế hoạch giai đoạn 2024-2027, Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng sẽ triển khai 2 dự án hồ chứa bùn thải sau tuyển quặng bauxite số 2 và hồ chứa bùn đỏ sau chế biến alumin giai đoạn 2 do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Đây là 2 công trình chứa bùn thải phục vụ dây chuyền chế biến khoáng sản, đang được triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Cụ thể, dự án hồ chứa bùn thải sau tuyển quặng bauxite số 2 có diện tích hơn 104 ha (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) với dung tích chứa hơn 15,8 triệu m3 bùn, vốn đầu tư dự kiến hơn 484 tỉ đồng. Còn dự án hồ chứa bùn đỏ sau chế biến alumin giai đoạn 2 có diện tích gần 209 ha (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) với vốn đầu tư gần 587 tỉ đồng.
Thế nhưng diện tích quy hoạch xây dựng 2 dự án này có một phần diện tích xây dựng bị chồng lấn lên các thân quặng bauxite đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng trong Quy hoạch khoáng sản theo Quyết định 866/QĐ-TTg ngày 18-7-2023 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quy hoạch khoáng sản).
Việc đầu tư xây dựng 2 hồ chứa bùn thải trên diện tích thuộc quy hoạch khoáng sản chỉ được phép thực hiện theo nguyên tắc phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tuân thủ quy định tại Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan. Và chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác quặng bauxite trong khu vực đầu tư xây dựng 2 hồ chứa bùn thải của Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng; không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Do vậy, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh xem xét có ý kiến trả lời Ban Quản lý dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng; đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) trực tiếp kiến nghị, đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan để phục vụ sản xuất của Tổ hợp Bauxit – Nhôm Lâm Đồng.
Liên quan đến Quy hoạch khoáng sản, thời gian qua không chỉ dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng gặp khó khăn như trên trên, mà rất nhiều dự án công và quyền lợi của người dân cũng bị ảnh hưởng vì vướng diện tích quy hoạch.
Tỉnh Lâm Đồng có tổng diện tích Quy hoạch khoáng sản hơn 70.191 ha, lớn nhất là bauxite với 65.014 ha. Trong đó, huyện Bảo Lâm là địa phương ảnh hưởng lớn từ quy hoạch này khi chiếm đến gần 52.900 ha - hơn 1/3 diện tích tự nhiên của huyện với tổng số dân bị ảnh hưởng là hơn 65.500 người. Nhiều xã bị quy hoạch này "bao trùm" gần hết diện tích tự nhiên như Lộc Ngãi, Lộc Quảng, thị trấn Lộc Thắng.
Còn TP Bảo Lộc có gần 4.300 ha đất nằm trong quy hoạch khoáng sản, trong đó xã Đam B'ri chiếm gần 2/3 diện tích tự nhiên, số còn lại nằm rải rác ở các phường như Lộc Tiến, Lộc Châu, phường 2 với tổng số dân bị ảnh hưởng hơn 27.000 người.