Lâm Đồng: Hiểm họa sạt lở vẫn rình rập trong mùa cao điểm mưa lũ
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; 94 hộ đã được di dời đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua, 150 hộ cần tiếp tục di dời khi có mưa lớn.
Mùa cao điểm mưa lũ ở Tây Nguyên mới được nửa chặng đường, nhưng thời gian qua, tình trạng sạt lở đất diễn ra rất phức tạp, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Dự báo trong thời gian tới, diễn biến mưa lũ sẽ phức tạp hơn khi các cơn bão bắt đầu “đổ bộ” vào Biển Đông, khiến nguy cơ sạt lở tăng cao. Đặc biệt đối với những khu vực có địa hình đồi núi, độ dốc cao như thành phố Đà Lạt, huyện Di Linh, Đam Rông, Đạ Huoai, Lâm Hà.
Không những uy hiếp các khu dân cư, sạt lở cũng là mối đe dọa thường trực trên các tuyến đường giao thông, nhất là những tuyến đèo có địa hình đồi núi, độ dốc cao như Bảo Lộc, Mimosa, Đại Ninh, Tà Nung.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; 94 hộ đã được di dời đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua, 150 hộ cần tiếp tục di dời khi có mưa lớn xảy ra.
Trong số đó, riêng thành phố Đà Lạt có 60 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở, huyện Đam Rông có 33 vị trí, huyện Đạ Huoai có 22 vị trí, Di Linh có 21 vị trí. Các địa phương đang tiếp tục tổ chức rà soát các vị trí đã bị sạt lở và có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết di dời người dân ở những vị trí có nguy cơ cao trong cao điểm mùa mưa lũ.
Thống kê 7 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn kèm lốc xoáy, sạt lở đất gây hậu quả nặng nề, làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương.
Thiên tai cũng khiến hơn 200 căn nhà bị hư hỏng, gần 200 ha cây trồng bị thiệt hại, nhiều cầu dân sinh, công trình thủy lợi, đường giao thông bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý là liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất, bờ taluy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản như các vụ sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong tháng 6, sạt lở tại đèo Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 20) vào ngày 30/7 mới đây.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhận định hiện tượng thiên tai gây hậu quả nặng nề như thời gian qua có một số nguyên nhân chủ yếu như lượng mưa trung bình của tỉnh luôn cao hơn cả nước (từ 1.750-3.150mm/năm).
Tuy nhiên, chỉ riêng 7 tháng qua lượng mưa đã đạt 1.219mm (tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước và gần bằng lượng mưa trung bình của cả nước, từ 1.500-2.000m/năm).
Một số thời điểm lượng mưa đo được tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc rất cao, từ 100-190mm/ngày khiến cho nền đất bị yếu, dễ gây sạt lở. Đồng thời, địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao từ 200-1.500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa, đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn kéo dài.
Tiến sỹ Lương Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu (Trường Đại học Đà Lạt) nhận định, Lâm Đồng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu với biểu hiện rõ nhất là nhiệt độ ngày càng tăng và diễn biến thời tiết không đúng quy luật. Nhiệt độ trung bình của Đà Lạt đã tăng lên trong những năm qua, cùng với đó lượng mưa hiện nay cũng không theo quy luật thông thường mà có sự đột biến, diễn biến cục bộ.
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, sạt trượt đất trong mùa mưa bão; kiểm tra, di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; tổ chức đánh giá mức độ nghiêm trọng và triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả nhanh chóng khi sự cố xảy ra, điển hình như vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc xảy ra ngày 30/7 vừa qua.
Vụ sạt lở đã làm thiệt mạng 4 người và gây chia cắt tuyến Quốc lộ 20 nối Đà Lạt và các tỉnh Đông Nam Bộ trong 2 ngày.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ với tỉnh Lâm Đồng về công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở đèo Bảo Lộc mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, công tác triển khai khắc phục hậu quả, ứng phó với thiên tai của Lâm Đồng rất bài bản; đặc biệt là trong huy động phương tiện cần thiết để khắc phục hậu quả của các vụ sạt lở đất với khối lượng đất đá rất lớn.
"Lực lượng lái máy ủi, máy xúc phải có kinh nghiệm, nắm bắt được nguyên tắc là đào và ủi theo cắt lớp, vừa đảm bảo an toàn, vừa tránh tác động nhiều dẫn đến nguy cơ sạt lở tiếp theo,” ông Lê Đình Thọ nhận định.
Liên quan đến công tác ứng phó thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, ngày 1/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp có Công điện hỏa tốc, tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động rà soát mức độ an toàn của các công trình, các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại tại khu vực ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện, cảnh báo khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở. Qua đó nhằm triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản khi có mưa lớn xảy ra.
Cơ quan, địa phương nào để xảy ra sự cố do không thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của cấp trên hoặc chủ quan, gây thiệt hại về người và tài sản phải tạm đình chỉ công tác đối với người đứng đầu cơ quan, địa phương đó để tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định./.