Lâm Đồng: Hơn 1.200 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ

Ngày 15/6, tại huyện Lạc Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Lạc Dương tổ chức Hội thảo Nông nghiệp hữu cơ - Nông nghiệp thông minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại Hội thảo

Đến dự và chủ trì Hội thảo có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND huyện cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện.

Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá kết quả triển khai đề án trên địa bàn huyện Lạc Dương. Đồng thời, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thúc đây sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới.

Trong năm 2020 - 2021, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ được tỉnh triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến cuối năm 2021, trên toàn tỉnh có hơn 1.200 ha được chứng nhận sản xuất hữu cơ, tập trung chủ yếu trồng rau, điều, lúa, cây ăn quả, cỏ, nuôi bò sữa.

Qua điều tra, khảo sát tại các hộ nông dân, tổ chức đang sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích điều tra của 300 phiếu là hơn 790 ha, có 32% các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận với các tiêu chuẩn như: Hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP, UTZ, 4C… Trong đó, có 14,6 ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ tại Đơn Dương; có hơn 93% các tổ chức cá nhân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã xây dựng các kế hoạch, phương án hỗ trợ xây dựng và xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất…

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Về phía huyện Lạc Dương, ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện, toàn huyện có 8.400 ha diện tích canh tác nông nghiệp; trong đó, có 1.151 ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính; 21 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, 7 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 19 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên và 2 doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất hữu cơ… Thời gian qua, địa phương đã phát huy những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và đạt được một số kết quả ban đầu.

Tại Hội thảo, bên cạnh giới thiệu những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang triển khai hiệu quả, địa phương cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và hạn chế. Từ đó, trao đổi và bàn luận để đề ra những giải pháp, định hướng cụ thể trong thời gian tới, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về phát triển nông nghiệp hữu cơ mà huyện cũng như tỉnh đã đề ra.

Kết luận tại buổi Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã ghi nhận và biểu dương nỗ lực phát triển kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng của huyện Lạc Dương trong thời gian qua. Huyện Lạc Dương là một trong những huyện có nhiều tiềm năng lớn với những lợi thế mang tính toàn cầu về việc phát triển nông nghiệp hữu cơ - nông nghiệp thông minh. Bên cạnh đó, để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên toàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo toàn ngành tiếp tục phát huy Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, tại Hội thảo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã trao tặng Quy trình độc quyền canh tác cà phê Arabica hữu cơ vùng núi Langbiang cho huyện Lạc Dương.

Sau buổi Hội thảo, các đại biểu cũng đã có dịp đến tham quan Trung tâm OCOP của huyện Lạc Dương.

HƯƠNG LY

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202206/lam-dong-hon-1200-ha-duoc-chung-nhan-san-xuat-huu-co-3121022/