Lâm Đồng: Lên kế hoạch để thi công cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Theo báo cáo từ Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, thông qua khảo sát cho thấy cần hàng triệu m3 đất san lấp, đá xây dựng và cát để thi công tuyến cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương.
Tuyến cao tốc này sẽ đi qua Tp.Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng, với tổng chiều dài khoảng 73,64 km. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 96 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.
Trong đó, có tới 90 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (vàng, thiếc, cao lanh, đá ốp lát, bentonit).
Sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về dự kiến nguồn vật liệu xây dựng thực hiện Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Qua buổi làm việc với đại diện liên danh nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn T&T và Công ty CP Tập đoàn Phương Trang thì nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng để thi công dự án cao tốc này là hơn 10 triệu m3 gồm: Hơn 8 triệu m3 đất đắp K95 và K98, hơn 1,6 triệu m3 đá các loại và cát xây dựng hơn 50.000 m3.
Sau khi cân đối giữa trữ lượng cấp phép khai thác khoảng sản tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và Tp.Bảo Lộc thì khối lượng đá và cát xây dựng tại địa phương cơ bản đáp ứng đủ. Tuy nhiên, khối lượng đất san lấp chưa đảm bảo và cần thêm hơn 2 triệu m3.
Theo đề xuất của liên danh nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn T&T và Công ty CP Tập đoàn Phương Trang, nguồn vật liệu xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sử dụng từ các mỏ được cấp phép xung quanh dự án.
Bên cạnh đó, liên danh nhà đầu tư còn đề xuất bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tại 9 vị trí trên địa bàn các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng với diện tích 56,7 ha đá xây dựng và hơn 27 ha đất san lấp.
Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh vận dụng các quy định của pháp luật để đơn giản hóa hồ sơ thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác khoáng sản/năm của các tổ chức để cung cấp đủ và kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ thi công dự án.
Đồng thời, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác được phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh hoặc đánh giá tác động môi trường.
Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án cao tốc thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất đã được cấp phép.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên sử dụng nguồn vật liệu xây dựng các mỏ hiện có tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và Tp.Bảo Lộc. Trước mắt, tập trung cung cấp nguồn vật liệu xây dựng cho Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Những cơ chế đặc thù trên chỉ áp dụng riêng cho xây dựng Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trong thời gian từ ngày khởi công đến khi kết thúc dự án bàn giao và đưa vào hoạt động.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một trong ba dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210 km.
Theo đó, đối với hợp phần cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài tuyến 73,64 km, điểm đầu tại Km 126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, Tp.Bảo Lộc và điểm cuối tại Km 200, giao với đường cao tốc Liên Khương - Prenn tại Km 208+650, cửa ngõ vào Tp.Đà Lạt.
Theo chủ trương của Chính phủ, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hợp phần Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, còn 2 hợp phần Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đến nay, Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai theo hình thức đối tác công tư. HĐND tỉnh Lâm Đồng cũng đã thông qua phương án đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư tại Nghị quyết 65 ngày 3/3/2022.