Lâm Đồng nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, nỗ lực của chính bà con mà đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Lâm Đồng không ngừng được cải thiện. Đặc biệt, việc phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS đã được chú trọng, qua đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân.
Phát huy vai trò “cầu nối” của già làng, trưởng thôn
Tỉnh Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, 142 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 78/142 xã, phường, thị trấn là vùng DTTS và 478/1.365 thôn, tổ dân phố là vùng DTTS theo tiêu chí phân định vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ. Toàn tỉnh có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 25,72% dân số.
Theo Kế hoạch của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, trong tháng 10/2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn về trợ giúp pháp lý cho người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng thôn trên đại bàn huyện Đam Rông.
Tham gia tập huấn có 250 đại biểu là các già làng, trưởng thôn, đại diện hội, chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng 5 xã: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông, Phi Liêng và Đạ K’Nàng.
Tại Hội nghị tập huấn, các đại biểu đã nghe báo cáo viên pháp luật phổ biến, trao đổi một số nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; kỹ năng thực hiện tư vấn pháp luật về trợ giúp pháp lý gắn với việc giải thích, thông tin về trợ giúp pháp lý và giới thiệu cho người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý khi gặp vướng mắc pháp luật.
Hội nghị tập huấn đã góp phần trang bị cho các đại biểu về những kiến thức, chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ giúp pháp lý, cách thức liên hệ với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Qua đó, nâng cao hiểu biết pháp luật cho các đại biểu tham dự tập huấn, đưa chính sách trợ giúp pháp lý tới gần hơn nữa với người dân tại địa phương.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật thông qua các già làng cũng được chính quyền xã Tà Nung (TP Đà Lạt) áp dụng. Có gần 50% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức pháp luật về trật tự xây dựng, quản lý đất đai cho người dân trên địa bàn gặp không ít khó khăn.
Chính quyền xã Tà Nung đã khéo léo, linh hoạt áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền và vận động người dân như: sử dụng loa phát thanh, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt pháp luật hàng tháng, tại các buổi họp, hội nghị của đoàn thể và hệ thống chính trị thôn, xã... Ngoài ra, địa phương cũng thường xuyên tổ chức ký cam kết và phát tờ rơi đến từng hộ gia đình.
Cùng với đó, xã còn phối hợp chặt chẽ với các cơ sở tôn giáo, những người có uy tín, đặc biệt là các già làng, trưởng thôn trong vùng đồng bào DTTS để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Để mỗi cán bộ, công chức từ xã đến thôn, mỗi người dân là một tuyên truyền viên tích cực, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được địa phương truyền đạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu, thông qua hai ngôn ngữ chính là tiếng Việt và tiếng K’Ho.
Hiệu quả từ chương trình vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ
Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho thấy nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân ở Lâm Đồng được nâng lên đó là hiệu quả từ chương trình vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Nhằm làm trong sạch địa bàn, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, Công an TP Đà Lạt cùng Công an phường 7 và Công an xã Tà Nung đã tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, chủ yếu là đồng bào DTTS giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT).
Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTSS trên địa bàn TP Đà Lạt tương đối ổn định, người dân tin tưởng, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết dân tộc, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, xảy ra vụ việc một nhóm người tấn công vào trụ sở UBND xã, Công an 2 xã ở huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) đã tạo dư luận không tốt đối với nhân dân cả nước trong đó có đồng bào DTTS. Qua đó cho thấy công tác quản lý, thu hồi VK-VLN-CCHT ngoài xã hội còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người dân;....
Do vậy, Công an TP Đà Lạt đã thông tin đến đông đảo nhân dân về các quy định của pháp luật về VK-VLN-CCHT; các hành vi nghiêm cấm trong quản lý sử dụng VK-VLN-CCHT; trách nhiệm của người dân về VK-VLN-CCHT; các chế tài xử lý vi phạm về VK-VLN-CCHT.
Cũng tại các buổi tuyên truyền, lực lượng công an đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, đặc biệt đối với người DTTS không tin, không theo lời kẻ xấu xúi giục, kích động. Đồng thời, Công an TP Đà Lạt cấp phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống mua bán, tàng trữ, vận chuyển VK-VLN-CCHT.
Ngoài vận động không tàng trữ vật liệu nổ, đồng bào DTTS xã Tà Nung còn được tập huấn các kỹ năng PCCC, trong đó có kỹ năng sử dụng bình chữa cháy xách tay. Công tác tuyên truyền xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn cứu hộ đang được xã Tà Nung tiếp tục phối hợp với ngành chức năng TP triển khai với nội dung, hình thức, phương pháp đa dạng, thiết thực, hiệu quả.
Qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức thực thi pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy; đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân mạnh thường quân ủng hộ kinh phí mua sắm bình chữa cháy xách tay trao tặng cho các hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo từ nay đến 20/12/2023 hoàn thành 100% tổng số hộ trên toàn xã số tự chuẩn bị một bình chữa cháy và mỗi gia đình ít nhất có một người được tập huấn về kỹ năng chữa cháy.
Công tác PCCC- cứu nạn cứu hộ đang tiếp tục được xã Tà Nung triển khai đồng bộ với lực lượng, phương tiện, đảm bảo xử lý kịp thời hiệu quả các vụ cháy, nổ có thể xảy ra và cứu nạn cứu hộ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản tại địa phương. Đặc biệt, qua đó thực hiện hiệu quả công tác PCCC trong nhân dân, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương có số đông đồng bào DTTS nhất ở Đà Lạt hiện nay.