Lâm Đồng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Tỉnh Lâm Ðồng đang tập trung chỉ đạo nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021.
Tỉnh Lâm Ðồng đang tập trung chỉ đạo nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể năm 2021.
Theo đó, tỉnh yêu cầu khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng CNTT để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; thực hiện các giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về nội dung và ý nghĩa của phát triển bền vững… Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chú trọng việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Trong đó, quan tâm thực hiện hiệu quả các nội dung như: Cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản doanh nghiệp, quản lý hành chính đất đai, ứng dụng CNTT, chất lượng đào tạo nghề, đăng ký phát minh sáng chế, kiểm soát tham nhũng, mức độ tham gia giao dịch trực tuyến, cơ hội việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức, môi trường sinh thái bền vững.
5 năm qua, tỉnh Lâm Ðồng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Ðịa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ tiếp cận tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, khuyến công, hỗ trợ khởi nghiệp. Ngoài ra, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thông qua đối thoại, đào tạo lao động, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đều được thực hiện tốt, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới hằng năm tăng bình quân hơn 15%. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu thành phần như chỉ tiêu tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự, cạnh tranh bình đẳng của tỉnh được cải thiện rõ rệt.
Sơn La ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông sản
Tỉnh Sơn La hiện có hơn 640 hợp tác xã (HTX), với hơn 29.700 thành viên, trong đó 532 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí hơn 9,4 tỷ đồng từ các chương trình khuyến công, khuyến nông, quỹ khoa học công nghệ cho việc nghiên cứu, triển khai những đề tài, dự án hỗ trợ các HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học vào sản xuất. Cùng với đó, tỉnh xây dựng mô hình trình diễn tại HTX và hỗ trợ HTX ứng dụng vào sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng cơ sở vật chất và nâng cao năng lực của HTX. Tỉnh còn thực hiện hỗ trợ 10 HTX áp dụng đánh giá chứng nhận hệ thống sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ doanh nghiệp về quy trình ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật đối với mô hình sản xuất cà chua và dưa lê vàng chất lượng cao theo hướng VietGAP. Hiệu quả từ các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của nông dân về sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, HTX triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, nhất là kỹ thuật khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị có tiềm năng xuất khẩu. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch phù hợp với điều kiện của địa phương; chú trọng phát triển các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.