Lâm Đồng: Ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng DTTS nói chung và ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể.
Hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng vẫn còn hàng ngàn trường hợp tảo hôn, hôn nhân vận huyết thống trong các buôn làng DTTS ở các huyện Di Linh, Bảo Lộc, Đam Rông. Điều này dẫn tới đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trẻ em sinh ra đã ốm yếu, dị tật, suy dinh dưỡng. Những thiếu nữ mới chỉ 14 tuổi đã lấy chồng, 3 năm sau đã có 2 con trong khi điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn. Vì những hủ tục của buôn làng mà các em đã trở thành nạn nhân bởi vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Tiêu biểu như gia đình ông K’Sệp, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh. Ông K’Sệp cho biết, chị Cao Thị Diễm, con gái ông lấy chồng năm 21 tuổi, chồng của Diễm là con trai chị gái bố, tức con của bác ruột. Vì hôn nhân cận huyết nên con gái của Diễm bị sinh non khi chị mới mang thai tháng thứ 8.
Hiện nay, con của Diễm đã tròn 10 tuổi nhưng cháu ốm yếu hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Ông K’Sệp cho biết, hôn nhân cận huyết nên con cái bị đau ốm suốt, nuôi mãi không lớn được. Nếu biết hậu quả thế này thì chúng tôi không cho chúng nó lấy nhau. Gia đình chúng tôi giờ không cho bọn trẻ lấy nhau như thế này nữa.
Còn tại thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm có em K’Thắm lấy chồng từ năm 15 tuổi, khi đang học lớp 9. Đến năm 2019 em và chồng mới đủ tuổi đến UBND xã để đăng ký kết hôn.
Thay vì trong lứa tuổi đến trường cùng bạn bè, các “cặp vợ chồng trẻ con” phải nghỉ học, ở nhà và làm những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ. Điều này đã khiến cho các em bé sinh ra bị suy dinh dưỡng, thấp còi và tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi gia tăng. Đồng thời, cũng làm tăng tỉ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản, gây khó khăn cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng cho biết, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023.
Theo kế hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ triển khai 10 mô hình điểm “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; 500 người DTTS được tuyên truyền, vận động thông qua các mô hình; trên 60% người có uy tín, cán bộ chính quyền và đoàn thể cấp thôn và người DTTS thuộc xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được tuyên truyền về thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Tỉnh Lâm Đồng cũng phấn đấu giảm từ 2% - 3% số cặp tảo hôn và từ 3% - 4% số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đồng thời, phấn đấu có trên 80% cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
“Để thực hiện được những mục tiêu đó, tỉnh Lâm Đồng sẽ thiết kế in ấn 30.000 tờ rơi và 1.000 cuốn cẩm nang tuyên truyền về luật hôn nhân gia đình, hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra. Biên soạn tài liệu phục vụ các hội nghị tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ lắp đặt 4 pano tuyên truyền tại các xã có nguy cơ xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh: xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà; xã Đạ Tông, Đạ Long, huyện Đam Rông. Đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” thực hiện tại 9 xã, gồm: xã Đạ Long, Đạ Tông, huyện Đam Rông; xã Đạ Đờn huyện Lâm Hà; xã Gia Bắc, Sơn Điền, huyện Di Linh; xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm; xã Phước Lộc huyện Đạ Huoai và xã Đạ Sar huyện Lạc Dương”, ông Dơ Woang Ya Gương chia sẻ.