Lâm Đồng: Ngang nhiên lấn chiếm, mua bán đất công ven hồ thủy điện Đại Ninh

Theo Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine, qua rà soát năm 2012, có 28 hộ đang canh tác, sản xuất trái phép trên diện tích khoảng 22ha đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh.

Khu đất tái định canh Dự án Thủy điện Đại Ninh ở xã Tà Hine đã bị lấn chiếm hết. (Ảnh: TTXVN phát)

Năm 2006, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) giao 2 xã Ninh Gia và Tà Hine quản lý 104ha diện tích đất tái định canh thuộc Dự án thủy điện Đại Ninh. Đây là diện tích đất công, sau khi bố trí cho các hộ thuộc diện tái định canh, phần còn lại sẽ là quỹ đất công của địa phương (theo mục e, khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai năm 2013).

Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ diện tích đất giao cho xã Tà Hine đã bị lấn chiếm hết, còn xã Ninh Gia chưa thống kê được diện tích bị lấn chiếm. Do không có hồ sơ lưu trữ, chính quyền địa phương không thể xác định được vị trí ranh giới cụ thể của dự án đất tái định canh này khiến công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trở nên khó khăn, phức tạp.

Đất công bị lấn chiếm, mua bán

Có mặt tại thôn B’Liang, xã Tà Hine vào ngày 9/7, nhóm phóng viên chứng kiến cả một khu vực rộng lớn, được Nhà nước đầu tư xây dựng đường sá, hệ thống điện và hệ thống cấp thoát nước từ gần 20 năm trước, nay giống như một dự án phân lô bán nền của doanh nghiệp.

Dọc theo đường bêtông do Nhà nước xây dựng thuộc dự án tái định canh này, nhiều lô đất đều có một kiểu trang trí cổng vào giống hệt nhau và đang được rao bán.

Một người đàn ông ngoài 50 tuổi, tự xưng là công nhân xây dựng nhà ở tư nhân gần hồ thủy điện Đại Ninh, thuộc thôn B’Liang, xã Tà Hine ra mời chào, rao bán đất vì tưởng nhóm phóng viên là người đi mua đất.

Theo người đàn ông trên, đất chưa có sổ đỏ ở khu vực này được mời chào khoảng 500 triệu đồng/1.000 m2, trên đất có một số cây ăn trái và cà phê. Vị trí đất này có "view đẹp" nhất vùng nên giá cao hơn những khu vực khác. Nơi đây có tầm nhìn bao quanh hồ thủy điện Đại Ninh, hướng thẳng ra Quốc lộ 20 và 28.

Gần đây, một doanh nghiệp bất động sản tới mua lại diện tích lớn đất của người dân đang canh tác, sau đó chỉnh trang, làm thêm một số công trình tiểu cảnh rồi rao bán lại cho người có nhu cầu theo dạng "nhà vườn" có hướng nhìn ra hồ thủy điện Đại Ninh.

Đáng chú ý, hầu hết diện tích này chỉ mua bán bằng giấy viết tay, vì đây là đất công của Nhà nước, bị người dân lấn chiếm trái phép rồi mua đi bán lại nên không thể tiến hành các thủ tục mua bán theo quy định (vi phạm điều 3, Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép).

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 23/5/2006, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng ban hành Quyết định số 851/QĐ-UBND, tạm giao cho Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine quản lý 61,72 ha gồm 23 lô, thuộc tiểu khu 363; tạm giao cho Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia quản lý 42,29 ha gồm 22 lô, thuộc tiểu khu 669 và 641. Đây là diện tích đất do Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 bàn giao lại cho huyện Đức Trọng để tái định canh cho các hộ mất đất sản xuất do xây dựng nhà máy thủy điện.

Tại xã Tà Hine, cấp có thẩm quyền đã bố trí đất tái định canh cho khoảng 70 hộ. Phần đất còn lại khoảng 22ha, nhưng nay đã bị người dân lấn chiếm, canh tác, thậm chí sang nhượng bất hợp pháp cho người khác.

Ông Vũ Xuân Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine, cho biết ông mới được điều động từ xã khác tới nhận công tác vài tháng. Gần đây, trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân có phản ánh liên quan tới diện tích đất tái định canh bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép trên. Qua kiểm tra thực tế, xã phát hiện một số công trình vi phạm về trật tự xây dựng nên đã lập hồ sơ, đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng ra quyết định cưỡng chế, khôi phục lại hiện trạng ban đầu.

Theo Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine, qua rà soát năm 2012, có 28 hộ đang canh tác, sản xuất trái phép trên diện tích khoảng 22ha đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh. Nhiều diện tích đất lấn chiếm đã bị sang nhượng trái phép bằng giấy tờ viết tay. Người mua nhiều đất của người dân ở khu vực này là ông T.X.T, chủ một doanh nghiệp bất động sản ở huyện Đức Trọng.

Không nắm rõ hiện trạng đất công được giao

Bà Ly Vin, công chức địa chính xã Tà Hine, cho biết trong 22ha đất tái định canh đang bị người dân sử dụng, canh tác bất hợp pháp, có trường hợp đã sử dụng trước khi Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng bàn giao mặt bằng cho Ủy ban Nhân dân xã Tà Hine quản lý.

Khi phát hiện người dân lấn chiếm đất tái định canh và sang nhượng trái phép, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo nhưng không hiệu quả.

"Các bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại khu vực lấn chiếm khu tái định canh đều thực hiện bằng giấy viết tay, không thông qua chính quyền hoặc cơ quan chức năng. Điều này khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi các bên phát sinh tranh chấp, có đơn từ chúng tôi mới biết...," bà Ly Vin cho biết.

Tại xã Ninh Gia, việc quản lý đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh cũng đang lâm vào tình trạng tương tự.

Hầu hết các diện tích khu tái định canh Dự án Thủy điện Đại Ninh bị lấn chiếm đều có vị trí rất đẹp bên hồ thủy điện. (Ảnh: TTXVN phát)

Bà Trần Thị Thoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, cho biết theo Quyết định số 85/QĐ-UBND, xã Ninh Gia được tạm giao quản lý 42,29ha. Trong số này, xã đã đấu giá cho thuê phục vụ sản xuất nông nghiệp 19,55 ha, phần còn lại địa phương chưa xác định chính xác vị trí.

Hiện nay, địa phương không xác định được ranh giới của đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh do không có hồ sơ, họa đồ của khu tái định canh. Điều này đồng nghĩa với việc Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia chưa xác định được đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh tại địa phương có bị lấn chiếm hay không.

Bởi vậy, ngày 8/3/2024, Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia đã có văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Trọng hỗ trợ cung cấp hồ sơ của dự án này, do hồ sơ lưu trữ tại xã đã không còn.

Theo Ủy ban Nhân dân 2 xã Tà Hine và Ninh Gia, địa phương không có hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng nên không rõ vị trí đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh được Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng tạm giao cho hai địa phương quản lý đã được Nhà nước đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng hay chưa…

Từ đó tới nay, do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ, nhiều người dân đã lấn chiếm, sang nhượng đất công trái phép tại khu vực này. Theo quan sát, khu vực đất tái định canh này có mặt bằng đẹp, tầm nhìn bao quanh hồ thủy điện Đại Ninh, mặt còn lại hướng ra Quốc lộ 28B. Tại khu vực này, người dân đã cơi nới, xây dựng trái phép nhiều căn nhà gỗ, hồ nước, đường bêtông nhỏ.

Đặc biệt hiện tại, mặc dù đất nằm trong diện tích đất công của Nhà nước nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên rao bán với giá 500 triệu đồng/1.000m2.

Các diện tích đất tái định canh Dự án Thủy điện Đại Ninh bị lấn chiếm trái phép đang được chủ mới trồng cây làm sân vườn. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi tiếp nhận câu hỏi phỏng vấn của nhóm phóng viên về nội dung trên, ngày 10/7/2024, Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng đã có văn bản số 1544/UBND-VP, giao Trung tâm Phát triển quỹ đất; Ủy ban Nhân dân các xã Ninh Gia, Tà Hine phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát toàn bộ hồ sơ có liên quan; báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện nội dung trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trước ngày 25/7/2024.

Đến ngày 23/7/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 6169/UBND-ĐC yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng kiểm tra, xác minh và xử lý việc quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đối với khu đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh.

Theo lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng, huyện đã yêu cầu các phòng chuyên môn phối hợp với hai địa phương trên để rà soát, làm rõ nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về đất đai và trật tự xây dựng đối với phần còn lại của đất tái định canh thuộc dự án thủy điện Đại Ninh đã bị lấn chiếm.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hải, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng: "Dự án triển khai đã lâu quá rồi nên chỉ riêng việc tìm lại hồ sơ và tiến hành rà soát, kiểm tra cũng cần nhiều thời gian"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lam-dong-ngang-nhien-lan-chiem-mua-ban-dat-cong-ven-ho-thuy-dien-dai-ninh-post967699.vnp