Lâm Đồng: Người dân kiến nghị giải quyết 2 dự án 'rùa bò'
Cử tri huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng phản ánh dự án Khu du lịch sinh thái ở đèo Ngoạn Mục và dự án Cụm công nghiệp Ka Đô chậm triển khai nhiều năm gây ảnh hưởng đời sống dân sinh.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có ý kiến chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đơn Dương cùng các đơn vị liên quan rà soát, giải quyết hoặc tham mưu đề xuất giải quyết các kiến nghị cử tri huyện Đơn Dương phản ánh sau Kỳ họp 12 HĐND tỉnh khóa X. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30-4 để UBND tỉnh báo cáo HNĐ tỉnh.
Theo tìm hiểu, cử tri huyện Đơn Dương đề nghị sớm giải quyết đối với 2 dự án chậm triển khai nhiều năm là Khu du lịch sinh thái tại thác Thiên Thai (thị trấn D'ran) của Công ty TNHH Quốc Vương và Cụm công nghiệp Ka Đô (thôn Nam Hiệp, xã Ka Đô).
Cụ thể, người dân cho rằng năm 2007, nhà nước thu hồi diện tích đất của 22 hộ dân ở khu vực thác Thiên Thai (đầu đèo Ngoạn Mục, thị trấn D'ran) giao cho Công ty Quốc Vương mở khu du lịch sinh thái.
Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất theo Quyết định số 558/QĐ-UBND về việc thu hồi đất lâm nghiệp và cho Công ty TNHH Quốc Vương thuê để trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, chăn nuôi, kết hợp với kinh doanh du lịch dưới tán rừng.
Cùng năm, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng đến nay đã 17 năm mà dự án vẫn chưa được triển khai. Do đó, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra sớm có giải pháp giải quyết hợp lý đối với diện tích này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất.
Còn dự án Cụm công nghiệp Ka Đô được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2005, phê duyệt dự án đầu tư năm 2009 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2014. Diện tích dự án khoảng 77 ha (47 ha ban đầu và 30 ha mở rộng), tổng vốn đầu tư hạ tầng của dự án hoảng 56 tỉ đồng.
Theo quy hoạch, đây là là cụm công nghiệp đa ngành, được hình thành nhằm thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến; di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong nội thị ra cụm công nghiệp phù hợp theo chủ trương của tỉnh.
Tuy nhiên, theo cử tri huyện Đơn Dương, hiện tại chỉ có 3 doanh nghiệp đã đầu tư và hoạt động tại đây, còn phần lớn diện tích đang phải chờ kinh phí đầu tư. Qua gần 20 năm, một số hộ dân có đất trong vùng dự án không thực hiện được các quyền lợi của mình như canh tác, làm nhà ở…
Do vậy, người dân tại thôn Nam Hiệp 1 và Nghĩa Hiệp 2 của xã Ka Đô kiến nghị cơ quan chức năng sớm bố trí kinh phí chi trả hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án hoặc có phương án khác giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện tại của người dân vì họ chờ đợi quá lâu.