Lâm Đồng: Nỗ lực sớm khởi công hai đoạn tuyến cao tốc huyết mạch

Xác định tuyến cao tốc mới từ Tân Phú (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng) sẽ đóng vai trò quan trọng để địa phương phát triển mọi mặt, tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực để khởi công hai đoạn tuyến trên vào tháng 12-2024.

Sơ đồ các đoạn tuyến cao tốc từ Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) đến Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Nguồn: UBND tỉnh Lâm Đồng

Sơ đồ các đoạn tuyến cao tốc từ Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) đến Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Nguồn: UBND tỉnh Lâm Đồng

Nhiều tín hiệu vui

Những ngày này, Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp UBND thành phố Bảo Lộc bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho dự án này tại phường Lộc Phát và xã Lộc Thanh dài hơn 6km. Cơ quan chức năng cũng sẽ phối hợp cắm cọc xác định ranh giới giải phóng mặt bằng cho dự án qua các huyện Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là một phần trong tổng dự án cao tốc từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Liên Khương (Lâm Đồng), dài khoảng 300km, thay thế cho quốc lộ 20 hiện đã quá tải trầm trọng. Con đường mới được kỳ vọng sẽ khơi thông ách tắc giao thông giữa Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên.

Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho 7 khu tái định cư dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương trong năm 2024, với tổng diện tích khoảng 60ha, dự kiến tổng kinh phí đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Theo tính toán, đoạn cao tốc này cần giải phóng mặt bằng hơn 620ha; có 2.197 hộ dân nằm trong vùng dự án.

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định vị trí cắm mốc giới dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Ảnh: LĐ

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định vị trí cắm mốc giới dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Ảnh: LĐ

Tại phần đất của gia đình trong diện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, bà Nguyễn thị Nghĩa (phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) nói: “Chúng tôi trông chờ đường mới từ lâu rồi và ủng hộ dự án này, bởi chính những hộ dân có đường đi qua sẽ được hưởng lợi đầu tiên”.

Với dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, do tuyến xuất phát từ Đồng Nai nên tỉnh Lâm Đồng đã và đang phối hợp tích cực để hai bên thống nhất các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, tổng diện tích cần thu hồi tại 2 tỉnh là 500,6ha, ảnh hưởng đến 1.758 hộ dân (bao gồm 301 hộ phải di dời). Dự kiến tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 3 khu tái định cư cho dự án này.

Ông Võ Ngọc Minh Phát, Phó Trưởng ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự kiến tháng 7-2024, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện báo cáo. Đầu tháng 8, UBND tỉnh sẽ phê duyệt triển khai dự án. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ cơ bản hoàn tất để bàn giao cho chủ đầu tư trước lễ khởi công dự kiến diễn ra cuối tháng 12-2024); hoàn thành dự án trong tháng 12-2026.

Khơi nguồn vốn cho dự án

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các đoạn cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và cũng là dự án trọng điểm quốc gia, được Chính phủ giao tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền, thu hút vốn để đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh Lâm Đồng đặt quyết tâm cao cùng các nhà đầu tư khắc phục khó khăn về vốn để triển khai nhanh dự án.

Quyền Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ dự án. Ảnh: LĐ

Quyền Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ dự án. Ảnh: LĐ

Cụ thể, đoạn Tân Phú - Bảo Lộc do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh đầu tư dài khoảng 66km (đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dài 11km, qua Lâm Đồng dài khoảng 55km). Tuyến được thiết kế mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh bề rộng nền đường 22m với 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp liên tục. Theo phương án ban đầu, tổng mức đầu tư dự án là khoảng 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, chiếm 37% tổng mức đầu tư; phần vốn của nhà đầu tư 10.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do dự án không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo Luật PPP, mà chỉ chia sẻ phần doanh thu tăng; thời gian hoàn vốn dài (28 năm 7 tháng) nên không hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng thương mại cho vay vốn. Ngoài ra, do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án tăng gần 1.700 tỷ đồng nên dự án có thể gặp khó khăn về tín dụng.

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đại diện liên danh đầu tư cho biết, nếu giữ nguyên tỷ lệ góp vốn, nhà đầu tư mong Nhà nước cho vay khoảng 80% phần vốn với lãi suất ưu đãi.

Còn UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ góp vốn nhà nước lên 49% (bổ sung khoảng 2.410 tỷ đồng) để bảo đảm lợi ích các bên.

Trong khi đó, dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (dài 77km, 4 làn xe, nền đường 17m, tổng mức đầu tư hơn 19.500 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn 22 năm 4 tháng) cũng đang gặp vấn đề tương tự. UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Chính phủ cho tăng phần góp vốn nhà nước lên 49%. Hiện, Chính phủ đang xem xét và sẽ sớm có quyết định về vấn đề này.

Đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), giai đoạn 1 sẽ do Bộ GTVT thực hiện, triển khai từ cuối năm 2024 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT. Tuyến dài hơn 60km, 4 làn xe, tốc độ tối đa 80 km/h, có điểm dừng xe khẩn cấp. Tổng mức đầu tư gần 9.150 tỷ đồng (bao gồm vốn nhà nước hơn 1.300 tỷ đồng).

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lam-dong-no-luc-som-khoi-cong-hai-doan-tuyen-cao-toc-huyet-mach-672425.html