Lâm Đồng nỗ lực vượt khó thu hút đầu tư (Bài 2)

Các cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng hằng tháng đều có phân tích nguyên nhân đứng sau kết quả đạt được và những thách thức còn tồn tại trong thu hút đầu tư của tỉnh… Đầu tháng 2/2025, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị về công tác chuẩn bị thu hút đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách. Mặc dù có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng vẫn còn bộc lộ những thách thức không nhỏ...

Bài 2: Những thách thức và rào cản trong thu hút đầu tư

Dalat Hasfarm - Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài đã mang công nghệ trồng hoa cắt cành và hoa chậu phát triển ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Ảnh: Hoàng Sa

Dalat Hasfarm - Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài đã mang công nghệ trồng hoa cắt cành và hoa chậu phát triển ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Ảnh: Hoàng Sa

Đầu tư phát triển là một trong các nhiệm vụ mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, một thực tế ở các địa phương khi đề xuất UBND tỉnh các dự án kêu gọi đầu tư, nhưng lại không đưa ra được các điều kiện để đưa các dự án thành lựa chọn của nhà đầu tư, chưa chuẩn bị các nội dung để kêu gọi đầu tư… Bên cạnh đó, nhiều huyện, thành phố kiến nghị về việc địa phương chưa có quỹ đất sạch, chưa có quy trình hướng dẫn thu hút đầu tư và thuê tư vấn, quy trình ứng vốn… Ý kiến từ lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành cũng cho thấy có nhiều dự án không kêu gọi đầu tư được, dẫn đến chưa huy động và khơi thông được nguồn vốn của doanh nghiệp…

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, như: Lâm Đồng là một tỉnh miền núi, nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, cũng như các cảng biển và tuyến đường sắt huyết mạch, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, làm giảm tính cạnh tranh về mặt logistics cho các doanh nghiệp… Hạ tầng kỹ thuật (đường, điện, nước, thông tin liên lạc ở một số khu vực của tỉnh…) chưa đồng bộ. Trong đó, hạ tầng giao thông - dù đã có những cải thiện đáng kể, nhưng các tuyến đường kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm và các khu vực có tiềm năng phát triển, chưa hình thành, gây khó khăn cho việc di chuyển, vận chuyển và giao thương, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp…

Dalat Hasfarm - Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài đã mang công nghệ trồng hoa cắt cành và hoa chậu phát triển ở Đà Lạt - Lâm Đồng

Dalat Hasfarm - Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài đã mang công nghệ trồng hoa cắt cành và hoa chậu phát triển ở Đà Lạt - Lâm Đồng

Đó là chưa tính đến bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều biến động và khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng đầu tư của các doanh nghiệp. Sự bất ổn về chính sách, lạm phát, lãi suất và các yếu tố kinh tế vĩ mô khác có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định đầu tư dài hạn... Thêm vào đó là tình trạng một số nhà đầu tư chưa thực sự nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như chưa tích cực triển khai dự án theo cam kết, gây ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai…

Đặc biệt, có một nguyên nhân đang hiện diện rất rõ ở Lâm Đồng là quy hoạch thiếu đồng bộ và chồng chéo, mâu thuẫn…, cụ thể là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, đã tạo ra những rào cản lớn cho hoạt động đầu tư, gây khó khăn cho việc xác định địa điểm, quy mô và loại hình dự án phù hợp, làm chậm quá trình thu hút vốn. Ngoài ra, giá đất và đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số khu vực của tỉnh được đánh giá là cao, làm tăng chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án… làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định.

Đó là chưa kể đến thông tin về một số dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh chưa đầy đủ và rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận thông tin, đánh giá cơ hội đầu tư và đưa ra quyết định. Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng theo đánh giá, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, và tình trạng trễ hạn trong giải quyết hồ sơ, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, vẫn còn xảy ra… dẫn đến điều kiện thu hút đầu tư còn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế… của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp, các ngành, địa phương còn lúng túng trong việc đưa ra các điều kiện để kêu gọi đầu tư (từ công tác quy hoạch, đến đề xuất chủ trương đầu tư…). Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương kêu gọi đầu tư thì căn cứ vào quy hoạch. Mỗi dự án đều liên quan đến nhiều loại quy hoạch, như: quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… Trước hết là phải xem xét dự án có phù hợp với các quy hoạch không, phù hợp rồi thì bổ sung vào danh mục kêu gọi đầu tư; trình HĐND tỉnh để bổ sung các danh mục dự án có sử dụng đất, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội…

Để thực sự tạo ra một bước chuyển mình mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tỉnh Lâm Đồng cần có sự quyết tâm cao hơn, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp đã đề ra. Việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn về quy hoạch, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng và hạ tầng sẽ là chìa khóa để khơi thông dòng chảy vốn đầu tư, biến tiềm năng thành hiện thực, và đưa Lâm Đồng trở thành một điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân chính là yếu tố then chốt để Lâm Đồng có thể gặt hái được những thành công lớn hơn trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội…

(CÒN NỮA)

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/lam-dong-no-luc-vuot-kho-thu-hut-dau-tu-bai-2-4487626/