Lâm Đồng: Quy hoạch khoáng sản mở ra không gian phát triển mới
Ngày 22/12, tại Lâm Đồng, đã diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận, cùng với đại diện các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Cổ phần tập đoàn Trường Hải, Công ty Cổ phần sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh – Bình Thuận, Công ty TNHH MTV nhôm Lâm Đồng,…
Quy hoạch khoáng sản dựa trên 6 quan điểm
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch khoáng sản).
Thực hiện trình tự trong hoạt động quy hoạch và trách nhiệm tổ chức công bố quy hoạch khoáng sản theo quy định, ngày 9/8, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan tổ chức lập quy hoạch đã tổ chức Hội nghị công bố các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (trong đó có Quy hoạch khoáng sản) tại trụ sở Bộ Công Thương.
Để tiếp tục các hoạt động phổ biến nội dung quy hoạch khoáng sản, Cục Công nghiệp đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổ chức buổi hội nghị công bố quy hoạch khoáng sản nhằm mục tiêu tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến, công khai nội dung quy hoạch, các quy định và công tác quản lý quy hoạch để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng về việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương tổ chức lập quy hoạch khoáng sản với định hướng trung tâm là đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch cụ thể đối với từng nhóm/loại khoáng sản, phù hợp với cung, cầu sản phẩm cho từng giai đoạn của quy hoạch và đảm bảo tính kế thừa, khắc phục các tồn tại của các quy hoạch trước đây.
Đồng thời, quy hoạch khoáng sản được xây dựng trên 6 quan điểm phát triển, trong đó, trọng tâm là việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và tương thích với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương và hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và đời sống của người dân.
Về định hướng bố trí sử dụng đất trong cả nước, thì nhu cầu đất cho phát triển khai thác khoáng sản khoảng 190.000 ha trong giai đoạn 2021 - 2030 và khoảng 305.000 ha trong giai đoạn 2031 - 2050, cơ bản phù hợp với chỉ tiêu phân bổ đất trong Nghị quyết số 39/2021/QH51, để đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp
Quy hoạch khoáng sản được xây dựng nhằm thực hiện 3 mục tiêu lớn là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa carbon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.
Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết thêm, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện quy hoạch khoáng sản trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhiều lần, nhiều vòng của các chuyên gia, nhà khoa học, nhiều đồng chí lãnh đạo, các địa phương, các tổ chức xã hội, các bộ, ban ngành liên quan và được Hội đồng thẩm định quy hoạch khoáng sản thông qua.
Quy hoạch khoáng sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản mà còn mở ra không gian phát triển mới cho ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nếu thực hiện thành công các mục tiêu trên, ngành khai khoáng, chế biến khoáng sản sẽ từng bước trở thành ngành công nghiệp nền tảng, cung cấp nguyên vật liệu quan trọng không thể thiếu để phát triển các ngành công nghiệp khác (ngành điện, hóa chất, chế tạo máy, giao thông vận tải, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp xây dựng...) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau khi Ban tổ chức công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp, trình bày các quan điểm về công tác quy hoạch khoáng sản; đồng thời, phân tích những khó khăn, hạn chế còn tồn tại trong công tác quy hoạch khoáng sản hiện nay.
“Trên cơ sở các nội dung trao đổi tại hội nghị, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật, đảm bảo quy hoạch khoáng sản sát với thực tiễn, hiệu quả hơn, bền vững hơn, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp của Quy hoạch tổng thể quốc gia, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết.