Lâm Đồng sẵn sàng năm học ''mục tiêu kép''
Tỉnh Lâm Đồng kết thúc năm học 2020-2021 với nhiều thành tích đáng tự hào và phấn khởi. Nhiều bài học quý và là động lực tiếp tục thực hiện năm học mới 2021-2022. Báo Lâm Đồng phỏng vấn bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng một số nội dung trước thềm năm học mới.
CƠ SỞ VẬT CHẤT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU
• PV: Xin bà cho biết, việc chuẩn bị cơ sở vật chất giáo dục của tỉnh Lâm Đồng đến nay như thế nào?
• Bà Phạm Thị Hồng Hải: Các đơn vị, trường học đã thực hiện sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, nhà vệ sinh và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học... cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ dạy học. Sở GDĐT tiếp tục tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với quy mô và điều kiện phát triển KT-XH của từng địa phương. Vốn đầu tư công của ngành năm 2021 là 321,8 tỷ đồng. Kết quả đưa vào đầu năm học để sử dụng là 246 phòng học, 78 phòng học bộ môn, 3 nhà đa chức năng, 17 phòng thư viện, 14 khối văn phòng, 7 bếp ăn bán trú, 35 công trình vệ sinh, và các công trình hạ tầng như sân, hàng rào, nhà xe, nhà bảo vệ... Kinh phí sự nghiệp ngành đầu tư cho cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất năm 2021 (30 đơn vị trực thuộc Sở GDĐT) là 25,2 tỷ đồng. Kết quả thực hiện, sửa chữa hơn 100 phòng học, 12 phòng học bộ môn; sửa chữa cải tạo nhiều sân thể dục thể thao, hàng rào, nhà xe, nhà vệ sinh, văn phòng, nhà đa năng... Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học và củng cố duy trì kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập trẻ em mẫu giáo 4 tuổi, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, CBCC, VC và thực hiện đề án ngoại ngữ năm 2021 là 77,125 tỷ đồng. Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 2, lớp 6 năm 2021 là 125,831 tỷ đồng.
• PV: Thưa bà, ngành Giáo dục Lâm Đồng có gặp khó khăn gì trong quá trình đấu thầu, mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học và đến nay đã triển khai đến đâu?
• Bà Phạm Thị Hồng Hải: Về khó khăn, do danh mục thiết bị lớn, cần rà soát thực trạng nhiều lần để đảm bảo đầu tư được hiệu quả, tránh lãng phí do đó tiến độ thực hiện chậm. Tiến độ triển khai hiện nay đã trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, sau đó trình phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đấu thầu, dự kiến trong tháng 9 năm 2021.
ĐỘI NGŨ CƠ BẢN ĐẢM BẢO SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG
• PV: Về đội ngũ giáo viên (GV), sách giáo khoa nói chung và đặc biệt Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 nói riêng đã đáp ứng như thế nào, thưa bà?
• Bà Phạm Thị Hồng Hải: Hiện nay, đội ngũ CBQL, GV, nhân viên (NV) cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý và giảng dạy trong các nhà trường. Toàn ngành có 21.877 CBQL, GV, NV; trong đó, CBQL 1.523 người, GV 17.682 người và NV 2.672 người. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ của đội ngũ GV, Sở GDĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai bồi dưỡng chính trị hè 2021; bồi dưỡng chuyên môn cho CBQL, GV... Sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện CT GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1750/QĐ-UBND ngày 8/7/2021 của UBND tỉnh).
• PV: Vấn đề giảm biên chế về đội ngũ GV 10%, thời gian qua một số địa phương phản ánh khó khăn trong việc bố trí giảng dạy, theo bà đâu là giải pháp khắc phục?
• Bà Phạm Thị Hồng Hải: Về vấn đề này Sở GDĐT đã có chỉ đạo chung cho các đơn vị trường học, căn cứ vào số lượng người làm việc được giao, nhu cầu thực tế chủ động, linh hoạt, sáng tạo bố trí vị trí việc làm phù hợp, trong đó ưu tiên bố trí đầy đủ GV trực tiếp giảng dạy. Những vị trí còn thiếu thì trước mắt thực hiện hợp đồng GV hoặc có phương án bố trí GV dạy thỉnh giảng giữa các trường có cự li gần (đối với những bộ môn số tiết dạy không nhiều); bố trí NV kiêm nhiệm một số nhiệm vụ phù hợp với năng lực và chuyên môn được đào tạo. Mặt khác, tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ CBQL, GV, NV phù hợp với nhu cầu thực tế của các đơn vị.
• PV: Năm học 2021-2022 tiếp tục triển khai chủ yếu dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm, tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị sự thích ứng này như thế nào thưa Giám đốc?
• Bà Phạm Thị Hồng Hải: Để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19, chúng tôi đã chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động cụ thể trong toàn ngành. Đơn cử, bậc học mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến mà các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức tuyên truyền đến cha mẹ của trẻ biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà khoa học và đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn thương tích bằng các phương tiện truyền thông. Với tiểu học, các trường tự xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng tự chủ chương trình, lược bỏ những nội dung trùng lắp, dạy tích hợp liên môn các nội dung tương đồng. Riêng lớp 1, môn tiếng Việt, GV được thực hiện phương án tăng thời lượng từ 2 tiết lên 3 tiết với những bài dài, những bài dạy 3 vần trong 1 buổi. Học sinh tiểu học còn trẻ nhỏ, không tự học được phải có cha mẹ hỗ trợ; 100% các gia đình chưa thể kết nối mạng internet cũng chưa đủ điều kiện trang bị điện thoại, máy tính phục vụ học tập; do vậy, cấp tiểu học có thể tổ chức học hoặc không học online, tùy vào tình hình điều kiện cụ thể ở từng địa phương. Đối với trung học, Sở đã kịp thời tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ hình thức dạy học trực tuyến. Quá trình triển khai có những khó khăn, chúng tôi cũng đã chỉ ra các nguyên nhân và chỉ đạo khắc phục. Trong đó, các địa phương, các nhà trường và bản thân mỗi thầy cô giáo cần có những giải pháp để “gỡ khó” mới triển khai có hiệu quả...
• PV: Thưa Giám đốc Sở, chủ đề năm học 2021-2022 của ngành GDĐT Lâm Đồng là gì trong năm học mới?
• Bà Phạm Thị Hồng Hải: Năm học 2021-2022, tiếp tục thực hiện phong trào thi đua của ngành Giáo dục là “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” do Bộ trưởng Bộ GDĐT phát động tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 nhằm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương. Sở GDĐT Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị coi việc triển khai thực hiện phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng trong các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục các cấp với hình thức, nội dung, tiêu chí thi đua thiết thực, phù hợp điều kiện và tình hình thực tiễn. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời phát hiện mô hình mới, nhân tố mới để bồi dưỡng, nhân rộng và tôn vinh. Chúng tôi đã cụ thể hóa các nội dung đối với tập thể, cá nhân để toàn ngành cùng đồng lòng quyết tâm thực hiện.
• PV: Trân trọng cảm ơn bà Giám đốc và hy vọng ngành Giáo dục Lâm Đồng tiếp tục gặt hái những thành tích của năm học “đặc biệt” cùng với cả nước.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202109/lam-dong-san-sang-nam-hoc-muc-tieu-kep-3078009/