Lâm Đồng tìm kiếm giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất
Ngày 27/8, Sở Xây dựng Lâm Đồng phối hợp với Công ty Nippon Koei Tokyo đã tổ chức hội thảo nhằm tìm kiếm giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra trên địa bàn tỉnh. Hội thảo quy tụ các chuyên gia địa chất, nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng đại diện các sở ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh rằng, Lâm Đồng có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình từ 18 - 25ºC, thời tiết ôn hòa và mát mẻ quanh năm. Có 2 mùa rõ rệt; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200m-1500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan,... đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao.
Ông cũng cho biết, thời gian gần đây, do ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu, lượng mưa nhiều, kéo dài, tại nhiều địa phương bị sạt lở đất rất nghiêm trọng làm thiệt mạng về người và hư hỏng một số tài sản của người dân, đặc biệt là tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đam Rông.
Nhằm tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh triển khai các phương án phòng chống sạt trượt đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Trung bày tỏ mong muốn Hội thảo lần này các nhà quản lý, các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước sẽ nghiên cứu, đi sâu phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, thực tế nhằm ứng phó, ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do sạt lở đất gây ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Với địa hình phức tạp, khí hậu nhiệt đới gió mùa và lượng mưa lớn, Lâm Đồng đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất cao. Những năm gần đây, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, các khu vực như Đà Lạt, Bảo Lộc và Đam Rông là những điểm nóng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia của Công ty Nippon Koei Tokyo (Nhật Bản) đã đưa ra những đánh giá sâu sắc về tình hình sạt lở và đề xuất các giải pháp quản lý rủi ro từ khâu quy hoạch, thiết kế, lựa chọn dự án, tổ chức vận hành.
Chuyên gia địa chất Công ty Nippon Koei Tokyo đã giới thiệu những công nghệ, kỹ thuật mới trong phân tích rủi ro địa chất, giúp xác định chính xác các khu vực có nguy cơ cao.
Về biện pháp kỹ thuật, rất nhiều giải pháp kỹ thuật để quản lý rủi ro đối với giao thông và xây dựng cũng được trình bày tại hội thảo như: Các giải pháp như trồng cỏ, xây dựng tường chắn, hệ thống thoát nước, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và nâng cao nhận thức của người dân... được đánh giá là hiệu quả trong việc ổn định đất và giảm thiểu sạt lở, giải thiểu thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, quá trình ứng phó với sạt lở vẫn còn nhiều thách thức, như nguồn lực hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao và công tác quy hoạch chưa được thực hiện hiệu quả và việc chưa xây dựgn được bản đồ cảnh báo sạt lở cũng ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch xây dựng cũng như giao thông hiện nay.
Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội để các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và cộng đồng cùng nhau tìm kiếm giải pháp, nhằm hướng đến có giải pháp hiệu quả ngăn chặn, phòng tránh, giảm thiểu sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.