Lâm Đồng: Trung tâm sản xuất giống bơ đặc sản vùng Tây Nguyên
Có tới 20 vườn bơ giống đầu dòng của Lâm Ðồng hiện đang cung cấp giống không chỉ cho nông dân trong tỉnh mà còn xuất bán cho các tỉnh Tây Nguyên, thậm chí cả miền Tây, miền Ðông Nam Bộ.
Vài năm trở lại đây, khi giá bơ tăng cao, nhu cầu trồng bơ không chỉ ở Lâm Đồng mà còn lan rộng ra khu vực, đã giúp cho nhiều nhà vườn ương giống bơ đầu dòng ăn nên làm ra. Hiện nay, tại Lâm Đồng, đang có nhiều giống bơ ghép đầu dòng cho năng suất, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Hầu hết các trung tâm và cơ sở sản xuất giống bơ ghép tập trung chủ yếu ở TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm (nơi sản xuất bơ giống trọng điểm của Lâm Đồng) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) công nhận là cây giống đầu dòng. Ông Bùi Đình Thám (Thôn 12, xã Lộc Thành, Bảo Lâm) cho biết: Trang trại của ông đang có 2.500 cây bơ trồng xen với 10 ha cà phê và đã cho thu hoạch. Trong đó, có 3 giống bơ ghép BLD/05, BLD/034 và BLD/036 được Sở NN-PTNT công nhận cây bơ đầu dòng để sản xuất giống. Những cây bơ được bình tuyển là cây đầu dòng phải hội đủ các tiêu chí nổi trội như năng suất, chất lượng tốt, có khả năng sinh trưởng và phát triển phù hợp với thực tế sản xuất của các vùng trồng bơ. Năm nay, trang trại của ông đã sản xuất khoảng 24.000 cây bơ giống, cung cấp chủ yếu trong tỉnh, còn lại là xuất bán cho tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.
Tương tự, tại cơ sở sản xuất giống bơ ghép của ông Nguyễn Xuân Bách ở huyện Bảo Lâm cũng đã bán trên 100.000 cây giống. Ông Bách cho biết, bơ ghép đầu dòng là cây bơ chuyên dùng để lấy chồi sản xuất giống. Việc tuyển chọn cây đầu dòng rất nghiêm ngặt và căn cứ vào các tiêu chí như sức đề kháng, chống chịu sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với bơ ăn quả, gia đình ông Bách còn dành hơn 1 ha đất xây dựng trang trại bơ giống, chuyển giao mô hình trồng xen bơ với cây cà phê, cung cấp giống bơ ghép cho cả khu vực Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ… Hai năm gần đây, ông Bách đã sản xuất và cung cấp cho nông dân quanh vùng trên hàng trăm ngàn cây bơ giống chất lượng đạt doanh thu cả tỷ đồng.
Các loại bơ 034, Pinkerton, Hass, bơ Booth… đã và đang được người dân nhiều địa phương lựa chọn trồng nhiều nhất vì giá trị kinh tế của nó khá cao. Từ năm 2014 trở về trước, trung bình mỗi năm, các vườn giống chỉ cung ứng ra số lượng không lớn, chỉ đủ phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh, tuy nhiên, những năm gần đây, phong trào trồng bơ có giá trị tăng cao, người làm giống bơ cũng đã bắt đầu đầu tư vườn ươm quy mô lớn, vì vậy mà năm 2019, đã cung ứng gần 400.000 giống bơ đầu dòng cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Qua đánh giá của người trồng thì những đặc tính của bơ ghép đầu dòng như năng suất, chất lượng, sự thích nghi, chống chịu sâu bệnh, giá trị kinh tế… đều vượt trội. Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, để sản xuất được giống bơ ghép đầu dòng có chất lượng, đòi hỏi người sản xuất giống phải có sự hiểu biết và nắm vững các quy trình sản xuất giống bơ đầu dòng. Cây bơ mẹ được công nhận là cây đầu dòng thì phải được ngành chức năng công nhận, việc chọn chồi và khâu ghép quyết định đến sự thành bại của giống bơ. Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận, tất cả những vườn bơ được Sở NN-PTNT công nhận bán cho nông dân mua về trồng đều đạt tỉ lệ sống trên 90% và cây phát triển rất tốt. Đặc biệt, nhiều vườn bơ ghép mới được trồng chưa đầy 3 năm đã cho quả bói.
Cũng theo ông Hưng, hiện nay do giá giống bơ đang hút hàng, vì thế các điểm ươm giống “lậu” cứ thế mọc lên mà không có sự quản lý của các ngành chức năng.
Điều này, đang gây khó khăn rất lớn cho nông dân khi mua giống bơ ghép về trồng và làm mất uy tín của bơ đầu dòng. Vì vậy, các nông hộ nên cẩn trọng mua cây giống tại các cơ sở uy tín trên địa bàn đã được Sở NN-PTNT cấp phép và công nhận chất lượng. Vì hiện tại trên thị trường đã xuất hiện nhiều giống bơ ghép không rõ nguồn gốc, giá bán cũng thất thường hoặc chỉ bằng một nửa cây bơ ghép đầu dòng của Lâm Đồng. Được biết, bơ là cây trồng lâu năm và phải mất ít nhất 4 năm mới cho thu hoạch, nên chọn những giống cây bơ có nguồn gốc rõ ràng là chìa khóa mở ra cánh cửa sản xuất ổn định, tránh những rủi ro do giống kém chất lượng phải chặt bỏ, gây thiệt hại kinh tế về sau.