Lâm Đồng: Xây dựng 27 'Địa chỉ tin cậy cộng đồng' trong vùng đặc biệt khó khăn
Hiện nay, trong toàn tỉnh Lâm Đồng có 97 mô hình 'Địa chỉ tin cậy cộng đồng', trong đó các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Dự án 8 đã xây dựng đươc 27 mô hình với 405 thành viên.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo
Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội thảo: Nâng cao chất lượng mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" trong vùng đặc biệt khó khăn thuộc Dự án 8.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc cụ thể hóa mục tiêu của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể liên quan; Hội LHPN các huyện, xã tại địa bàn Dự án 8; các Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ trực tiếp quản lý và vận hành các mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" tại cơ sở.
Theo đại diện Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai xây dựng mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" như một giải pháp thiết thực và kịp thời hiệu quả nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền con người, bình đẳng giới và phòng ngừa vi phạm pháp luật đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, trong toàn tỉnh có 97 mô hình " Địa chỉ tin cậy cộng đồng", trong đó các vùng đặc biệt khó khăn thuộc Dự án 8 đã xây dựng đươc 27 mô hình với 405 thành viên. Mỗi mô hình xây dựng, bước đầu các cấp Hội hỗ trợ mua cơ sở vật chất, thiết bị để duy trì và phục vụ công tác tạm lánh của người bị bạo lực.

Đại diện Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phát biểu đề dẫn Hội thảo
Ngoài ra Hội LHPN các cấp cũng tổ chức tập huấn cho Ban chủ nhiệm và thành viên mô hình, hội viên phụ nữ tại cộng đồng về kỹ năng lên tiếng, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình và kỹ năng vận hành mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", tuyên truyền về Luật hôn nhân & gia đình, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa không còn phù hợp và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Đồng thời truyền thông phối hợp tuyên truyền các nội dung của phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Lâm Đồng thời đại mới", những quy định của pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới.
Tuy nhiên, tại các vùng đặc biệt khó khăn, việc triển khai mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về kỹ năng xử lý tình huống. Phần lớn đều làm việc kiêm nhiệm, không có thời gian, không có chế độ hỗ trợ nên khó duy trì nhiệt huyết lâu dài.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận, thảo luận đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm triển khai và nêu lên những khó khăn trong việc duy trì và vận hành Mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình trong thời gian tới.
Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả thực tiễn của mô hình "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.