Thực tế tại K9-Đá Chông: Cán bộ ngoại giao học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tiếp nối di sản của Người
Ngày 19/5, theo Chỉ thị 05-CT/TW, Đảng ủy Bộ Ngoại giao tổ chức chuyến đi thực tế, học tập tại di tích lịch sử K9 – Đá Chông và Đền thờ Bác Hồ nhân dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao dâng hương trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Long)
Tham gia chuyến đi thực tế có đồng chí Nguyễn Đắc Thành, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Ngoại giao; GS.TS. Mạch Quang Thắng, chuyên gia ngành Sử học, Ủy viên Hội đồng khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo và cán bộ các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Trong buổi sáng, đoàn đã tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử tại K9 - Đá Chông và tổ chức sinh hoạt chính trị với chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với nội dung bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm và phong trào “Bình dân học vụ số”.


Đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao tham quan Nhà làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1960 đến năm 1969. (Ảnh: Thành Long)
Tại đây, năm 1957, trong một lần thăm Sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân trên đỉnh đồi dưới chân ba tảng đá Chông lớn. Nhận thấy nơi đây có khí hậu mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh hữu tình, Bác đã chọn làm căn cứ dự phòng cho Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc.
Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Sau khi Bác mất, Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác.

Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao Nguyễn Đắc Thành phát biểu trong buổi sinh hoạt chính trị. (Ảnh: Thành Long)
Trong buổi sinh hoạt chính trị về chủ đề học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2025, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Ngoại giao Nguyễn Đắc Thành bày tỏ niềm tự hào khi có Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Chính quyền cách mạng. Tư tưởng ngoại giao của Người đã soi đường cho chính sách đối ngoại của Việt Nam suốt 95 năm qua, góp phần tích cực vào việc mở rộng các mối quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới và giành được sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Là diễn giả chính của buổi sinh hoạt chuyên đề, GS.TS. Mạch Quang Thắng chia sẻ chân thành về cuộc đời giản dị, thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tấm gương sống cần kiệm, liêm chính, hòa vào nếp sống thường ngày như cơm ăn, nước uống, như khí thở. Ông nhấn mạnh, nhìn vào gương sáng của Người, những ai có lương tri đều có thể nhận ra điều thiện, điều tốt để noi theo và nỗ lực vươn tới những giá trị cao đẹp.

GS TS. Mạch Quang Thắng chia sẻ những câu chuyện của Bác cho các cán bộ, nhân viên goại giao. (Ảnh: Thành Long)
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy và cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao cùng ôn lại, suy ngẫm và tiếp nối con đường mà Người đã soi sáng. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là nền tảng tinh thần vững chắc để xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo, mỗi cán bộ, đảng viên cần coi lời dạy của Bác là kim chỉ nam trong sự nghiệp và cuộc sống.
Ngày nay, tư tưởng và di sản ngoại giao Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng vững chắc về lý luận và thực tiễn, định hướng cho ngành ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại.
Vào buổi chiều cùng ngày, tại Đền thờ Bác Hồ, đoàn dâng hương và báo công lên Bác.


Đoàn dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Thành Long)

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ. (Ảnh: Thành Long)
Khép lại chuyến đi thực tế, mỗi cán bộ, nhân viên trong đoàn càng thấm nhuần giá trị tư tưởng của Người, nguyện tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, kiên định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, ý chí “Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đồng hành cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.