Lâm Đồng: Xử phạt Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt hơn 160 triệu đồng
UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 164 triệu đồng đối với Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt có trụ sở tại thôn 1, xã Rô Men, huyện Đam Rông.
Theo Quyết định số 1101/QĐ-XPVPHC, xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và môi trường đối với Công ty TNHH khoáng sản Song Long Đà Lạt (Công ty Song Long Đà Lạt). Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định Công ty Song Long Đà Lạt đã thực hiện các hành vi vi phạm: Không lắp đặt camera giám sát tại kho chứa, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; Vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ.
Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt quản lý không tốt, không còn mốc ngoài thực địa; Vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ. Đồng thời, không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế theo quy định; Vi phạm quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 40 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/03/2020 của Chính phủ.
Không xây dựng hố lắng nước thải (để lắng lọc, ổn định các chất lơ lửng, bùn trước khi thải nước chảy trả lại lòng suối) tại bãi tập kết cát; Vi phạm quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 8 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, Điều 1 Nghị định số 55/2021/ND-CP ngày 24/05/2021 của Chính phủ.
Một khu vực khai thác của Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Tài chính doanh nghiệp).
Sau khi đoàn công tác của Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, lập biên bản ngày 24/5/2022, doanh nghiệp này đã tự nguyện khai báo và khắc phục hậu quả khôi phục lại mốc ngoài thực địa; Lắp đặt camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ; Đã lập sổ sách, chứng từ theo Thông tư số 17/2020/BTNMT của Bộ TN&MT; Đã dừng khai thác và liên hệ với đơn vị tư vấn để xây dựng công trình hồ lắng cho đúng thiết kế được duyệt.
Với các sai phạm và xem xét sự tự giác khắc phục hậu quả của doanh nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt doanh nghiệp này với hình thức cảnh cáo đối với hành vi không lắp đặt camera giám sát; Phạt tiền 100 triệu đồng đối với hành vi không lập sổ sách, chứng từ, tài liệu làm căn cứ để xác định sản lượng khai thác khoáng sản thực tế theo quy định; Phạt 60 triệu đồng đối với hành vi không xây dựng hố lắng nước thải (để lắng lọc, ổn định các chất lơ lửng, bùn trước khi thải nước chảy trả lại lòng suối) tại bãi tập kết cát và 4 triệu đồng đối với hành vi quản lý không tốt, không còn mốc ngoài thực địa. Tổng hợp các mức phạt, doanh nghiệp phải nộp số tiền 164 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Long còn bị đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong thời hạn 3 tháng; phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải hoàn thành xây dựng hồ lắng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
Trước đó, Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt cũng bị tập thể người dân thôn 2, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông nhiều lần làm đơn phản ánh sai phạm trong việc khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Theo đó, người dân thôn 2, xã Liêng Srônh cho rằng trong quá trình khai thác cát, Công ty Song Long Đà Lạt đã có rất nhiều vi phạm như: Khai thác không đúng mốc giới và vị trí cho phép; vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Tự ý mở đường, làm đường trên đất của người dân, quá trình khai thác vận chuyển gây sạt lở đất canh tác, hư hỏng hạ tầng giao thông, ảnh hưởng tới nặng nề tới cuộc sống sinh hoạt của người dân; giả mạo đơn từ của người dân.
Với các vi phạm trên, người dân thôn 2 yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Song Long Đà Lạt; xử lý dứt điểm các sai phạm (nếu có) và đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân; kiểm tra, làm rõ và xử lý các tổ chức, cá nhân bao che các sai phạm (nếu có).
Trong thời gian gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dương Phát có địa chỉ tại số 06B Nguyễn Đình Quân, phường 5, TP.Đà Lạt số tiền 800 triệu đồng. Vì đơn vị này đã thực hiện hành vi khai thác khoáng sản là đá nguyên khối vượt công suất cho phép trong 2 năm. Năm 2018, Công ty này khai thác vượt 100% mức quy định. Năm 2019, Công ty khai thác vượt 48% mức quy định, trong khi công suất được cấp phép là 30.000 m3 đá nguyên khối/năm.
Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng có trụ sở tại số 87, đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8 (TP.Đà Lạt) bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt với số tiền 520 triệu đồng. Vì doanh nghiệp này đã thực hiện việc khai thác vượt công suất cho phép đối với khối lượng sét gạch ngói (gồm: đất sét và đất làm gạch).
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, cần đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật - PV) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép.