Làm du lịch mạo hiểm, không dễ!

Du lịch mạo hiểm tại Việt Nam đang phát triển, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ và người nước ngoài. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế này không dễ, nhất là khi đã có những vụ tai nạn chết người xảy ra trong các tour mạo hiểm ở một số địa phương.

Mới đây, ngành du lịch Thanh Hóa công bố 12 tuyến du lịch Trekking và xem đây như một biện pháp để kích cầu du lịch, tập trung tại 3 huyện Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân. Trong đó, nổi bật là tuyến Trekking đỉnh Pù Luông (cao 1.700m); Trekking mạo hiểm Hòn Con Sói, đỉnh Pù Hu (cao 1.440m), đỉnh Pù Gió (cao 1.600m), đỉnh Pù Xèo - thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai...

Khu vực các huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa rất đa dạng, cảnh quan thiên nhiên đẹp với những dòng suối trong veo, thác nước hùng vĩ nằm ẩn mình giữa các khu bảo tồn thiên nhiên, rất phù hợp để hình thành những cung đường trải nghiệm từ ngắn ngày dễ đi, đến những cung đường dài ngày nhiều thử thách. Bên cạnh đó, miền núi Thanh Hóa là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa độc đáo...

Tiềm năng du lịch mạo hiểm ở Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng là rất lớn. Thậm chí, đây còn được ví như “mỏ vàng” đang chờ được khai thác và thực tế những người làm trong lĩnh vực này đã nhận thấy điều đó cách đây cả vài chục năm. Xu hướng khám phá hang động, thác, núi… trở nên phổ biến trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro tai nạn chết người cũng tăng lên. Nhìn lại những vụ tai nạn xảy ra cho thấy việc thực hiện các chuyến đi, tour tuyến... khi không có kinh nghiệm, không có dẫn đường, thiếu sự giám sát là rất nguy hiểm.

Cách đây ít lâu, ngày 24/10/2023, nhân viên lái xe của Khu du lịch làng Cù Lần (tỉnh Lâm Đồng) chở khách du lịch trải nghiệm dọc suối, bất ngờ bị lũ quét cuốn trôi. Khi xảy ra tai nạn, lái xe và 1 nam du khách thoát ra ngoài, bị thương. Tuy nhiên, nam du khách đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Lái xe bị thương nhẹ. 3 du khách người Hàn Quốc bị lũ cuốn trôi và tử vong.

Một trường hợp tai nạn dẫn đến tử vong khác do du lịch mạo hiểm là anh N.T.Q (sinh năm 1996, tỉnh Thanh Hóa, làm việc tại TPHCM). Ngày 11/3/2023, nạn nhân là cùng một nhóm 7 người từ TPHCM đến Đắk Lắk du lịch, tự tổ chức leo núi dã ngoại tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. Anh Q. xuống rửa tay bên cạnh bờ suối và không may bị trượt chân rơi xuống dòng nước. Do không biết bơi, cùng với dòng nước chảy xiết, anh đã bị cuốn đi, đến sáng hôm sau mới tìm thấy thi thể…

Đó chỉ là 2 trong nhiều vụ tai nạn từ chính loại hình du lịch mạo hiểm. Tất nhiên, yếu tố an toàn không chỉ đến từ phía cơ quan quản lý hay đơn vị tổ chức du lịch mạo hiểm, mà còn xuất phát từ chính những du khách mà đa số là người trẻ tuổi, thích chinh phục, thích phiêu lưu, đôi khi là liều lĩnh. Du lịch mạo hiểm đòi hỏi sức khỏe thể chất - tinh thần, đòi hỏi kỹ năng và kiến thức về an toàn, chứ không chỉ mạo hiểm theo trào lưu để rồi đánh đổi bằng tính mạng…

Một vấn đề nữa rất đáng được quan tâm đặt ra cho các tour du lịch mạo hiểm là rác thải. Trừ các nhóm, đoàn du lịch mạo hiểm đã có ý thức bảo vệ môi trường tại các điểm mà họ đi qua, hầu hết các nhóm du khách tự phát đều rất thiếu ý thức khi xả rác bừa bãi ra môi trường, “người đi, rác ở lại”. Không khó để người dân bản địa nhận ra những bãi rác gồm bao nilon, vỏ đồ hộp, đồ ăn thừa... thậm chí là cả những đống than lửa các nhóm du khách bỏ lại giữa rừng.

Quay trở lại sự kiện công bố 12 tour du lịch mạo hiểm của ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa. Rõ ràng, những người làm ngành này đã bắt “trend” để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, yếu tố mới mẻ cũng đi kèm với đó là sự thiếu kinh nghiệm và yếu trong các khâu tổ chức tour, công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Nói như thế để thấy rằng, làm du lịch mạo hiểm không dễ như nhiều người vẫn nghĩ.

Trước mắt, ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý, đặc biệt là với các tour du lịch mạo hiểm “chui”, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách, hỗ trợ bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ hướng dẫn du lịch, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng sinh tồn... đối với hướng dẫn viên của các tour mạo hiểm, tour đi bộ trong rừng.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lam-du-lich-mao-hiem-khong-de-10296340.html