Lạm dụng vitamin giảm táo bón, hại nhiều hơn lợi
Táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa khá phổ biến. Trong nhiều trường hợp, có thể chữa trị táo bón bằng cách điều chỉnh lối sống bằng các phương pháp tại nhà như uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ, tăng cường vận động…
Một số loại vitamin có thể giúp làm mềm phân, giảm táo bón. Tuy nhiên, tốt nhất nên bổ sung các vitamin này bằng thực phẩm. Chỉ bổ sung bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, để tránh quá liều, gây hại.
1. Vitamin C
Vitamin C là vitamin tan trong nước có tác dụng thẩm thấu trong đường tiêu hóa, nhờ đó kéo nước vào ruột, có thể giúp làm mềm phân. Nên tăng cường trái cây giàu vitamin C như trái cây có múi (cam, quýt...), ổi, dâu tây...
Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều vitamin C có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, co thắt dạ dày… Ngoài ra, loại vitamin này cũng có thể khiến một số người tăng cường hấp thu sắt từ chế độ ăn uống, làm cho tình trạng táo bón càng trở nên tồi tệ hơn.
Không những thế, vitamin C tuy ít tích lũy nhưng dùng liều cao kéo dài có thể tạo sỏi thận hoặc bệnh gout do thải nhiều urat...
2. Acid folic
Acid folic hay còn gọi là vitamin B9, folate, có thể giúp giảm tình trạng táo bón bằng cách kích thích sự hình thành các acid tiêu hóa.
Nếu acid tiêu hóa ở mức thấp, bổ sung vitamin B9 sẽ giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và di chuyển phân qua ruột kết một cách dễ dàng hơn.
Vì vậy, để cải thiện tình trạng táo bón, hãy tăng cường các loại thực phẩm giàu folate như các loại rau lá có màu xanh đậm, cà rốt, gan, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, trái bơ, dưa hấu... Nhìn chung những thực phẩm giàu folate cũng cung cấp lượng lớn chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, giảm táo bón.
Bên cạnh đó, đối với những người sử dụng thực phẩm bổ sung có chứa acid folic, cần chú ý tuân thủ đúng liều lượng. Việc uống acid folic thường xuyên có thể che lấp dấu hiệu bệnh thiếu máu đại hồng cầu do thiếu vitamin B12.
Ngoài ra, acid folic cần thiết cho sự phân chia tế bào, do đó những bệnh nhân ung thư hoặc nghi ngờ mắc ung thư không được dùng acid folic để cải thiện táo bón.
3. Vitamin B12
Thiếu vitamin B12 có thể gây táo bón. Vì vậy, bổ sung vitamin 12 có thể cải thiện tình trạng táo bón do thiếu vi chất này.
Một số thực phẩm giàu vitamin B12 mà bạn có thể cân nhắc bổ sung bao gồm cá hồi, cá ngừ, gan bò,...
Bạn nên ăn nhiều các loại thực phẩm này để tăng cường lượng vitamin B12 thay vì sử dụng thực phẩm bổ sung. Cần đảm bảo bổ sung liều lượng phù hợp với độ tuổi. Khi lạm dụng gây dư thừa vitamin B12 cũng có thể gây hại như cảm giác nôn nao, choáng váng, nổi mề đay, tăng hồng cầu quá mức...
4. Vitamin B1
Vitamin B1 hay thiamine có tác dụng giúp tiêu hóa tốt. Khi lượng thiamine trong cơ thể ở mức thấp, hệ tiêu hóa sẽ hoạt động kém, có thể gây táo bón.
Mặc dù vitamin B1 thường khá an toàn khi sử dụng, tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra một số tác dụng phụ khi bổ sung quá liều như dị ứng, phát ban, khó thở...
5. Vitamin B5
Vitamin B5 hay còn gọi là axit pantothenic, tan trong nước. Một nghiên cứu cho rằng dexpanthenol - chất dẫn xuất của vitamin B5 làm dịu chứng táo bón. Nó kích thích các cơ co giãn trong hệ tiêu hóa, giúp phân di chuyển dễ dàng.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để liên kết vitamin B5 với việc giảm táo bón. Hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật đều chứa axit pantothenic, do đó không cần thiết phải bổ sung vi chất này.
6. Một vài lưu ý khi bổ sung vitamin
Vitamin an toàn với hầu hết mọi người ở liều lượng thích hợp, tuy nhiên những đối tượng sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin nào:
Trẻ sơ sinh: Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sơ sinh bổ sung vitamin để điều trị táo bón.
Người bị bệnh về đường tiêu hóa: Vitamin có thể không hiệu quả nếu bạn có tiền sử các vấn đề về đường tiêu hóa.
Người mắc các bệnh mạn tính: Nếu bạn có tình trạng sức khỏe mãn tính, hãy cho bác sĩ biết nếu bị táo bón. Đây có thể là phản ứng phụ của thuốc điều trị. Tự ý bổ sung vitamin có thể gây tương tác với thuốc hoặc chất bổ sung mà bạn đang dùng để điều trị bệnh mạn tính.
Bên cạnh đó, cần lưu ý một số vitamin có thể gây tác dụng không mong muốn, đặc biệt khi sử dụng đồng thời nhiều loại với nhau. Vì vậy, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng vitamin để giảm táo bón.
Mời bạn đọc xem tiếp video: