Làm đường cao tốc để xóa đói giảm nghèo
Vào tháng 5, những rừng anh đào ngọt ngào trải khắp huyện Vấn Xuyên và huyện Li thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Hàng đoàn xe nối đuôi trên con đường cao tốc rồi tỏa đi khắp nơi thu mua, vận chuyển trái cây. Nông dân trồng anh đào vô cùng hào hứng với những đơn hàng nhận được.
“Chúng tôi đã nhận được 10 đơn hàng do khách hàng đặt mua anh đào chín”, Vương Dân, 34 tuổi, chuyên trồng anh đào ở Vấn Xuyên từ hơn 10 năm qua, cho biết. “Trước đây, đường làng ngõ xóm rất hạn chế, chủ yếu dựa vào vận chuyển bằng xe tải nhỏ ra đường quốc lộ để bán, một mùa anh đào cũng không kiếm được bao nhiêu”. Kể từ khi được xây dựng lại sau trận động đất ở Vấn Xuyên, một số đoạn có cả đường cao tốc đã thông xe. Đây cũng là cơ sở hạ tầng chính, phục vụ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp địa phương phát triển. Các tuyến đường giao thông nông thôn đi qua các cánh đồng cũng không ngừng được mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa; liên tục được cải tạo nâng cấp, tạo động lực cho sự phát triển và tăng trưởng của các trang trại trồng anh đào Vấn Xuyên, mận giòn và các ngành đặc sản khác.
Vương Dân kể, những thay đổi to lớn của đường cao tốc cùng mạng lưới giao thông nông thôn đã mang lại lợi nhuận cụ thể cho người dân. Gia đình anh đã bán được hơn 20.000 thùng anh đào trong năm ngoái và dự kiến sẽ vượt 30.000 thùng trong năm nay. “Hiện chúng tôi đang hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử và hậu cần như JD.com. Các xe đông lạnh có thể chạy thẳng vào vườn cây ăn trái, vận chuyển từ đường làng ra quốc lộ rồi đến đường cao tốc. Khách hàng từ nơi khác đến đặt hàng, chúng tôi hái và giao hàng ngay trong ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng của trái cây”.
Theo người phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Tứ Xuyên, trong 5 năm qua, Tứ Xuyên đã xây các cầu vượt, mở rộng hệ thống đường sá, 116.000km đường giao thông nông thôn được xây dựng mới, mật độ đường giao thông nông thôn tăng từ 59,2 km/100 km2 lên 71,4 km/100 km2 và tỷ lệ đường trải nhựa tăng hơn 20%. Quận Phổ Giang là khu vực sản xuất kiwi, cam quýt và trà sản lượng cao. Trong những năm gần đây, quận đã huy động nguồn vốn gần 2 tỷ nhân dân tệ (NDT) để xây dựng đường giao thông nông thôn và đường dành cho du lịch. Mạng lưới phân phối vùng nông thôn và cộng đồng kiểu mới đã mở ra các kênh vận chuyển “nông sản vào thành phố, công nghiệp về nông thôn”. “Vào mùa bán hàng cao điểm, công ty có tới 400 nhân viên làm việc cùng lúc. Đây là điều không thể tưởng tượng được cách đây 5 năm”, Tiêu Hoài Đông, Tổng giám đốc của Sichuan Zhicheng Agricultural, khẳng định.
Trưởng phòng Giao thông quận Phổ Giang La Dũng Trọng cho biết, dựa vào mạng lưới đường giao thông nông thôn thông suốt, quận này đã thúc đẩy sự phát triển của vận tải đông lạnh và thương mại điện tử. Nhiều trang trại nông nghiệp và du lịch đặc trưng khác được kết nối với nhau tạo thành một vành đai sinh thái nông thôn năng động hơn. Hiện có hơn 100 doanh nghiệp vận tải đông lạnh trong quận, hoạt động phân phối thúc đẩy sự phát triển của hơn 4.500 công ty thương mại điện tử. Vào năm 2020, khối lượng giao dịch của mạng thương mại điện tử đạt 13 tỷ NDT. Tất cả các vùng của Tứ Xuyên đều coi đường giao thông nông thôn là “bộ khung” cơ bản để phát triển nông thôn; trong khi các tuyến đường cao tốc sẽ nâng cao hơn nữa khả năng của mạng lưới đường giao thông nông thôn trong việc hỗ trợ phát triển công nghiệp và du lịch.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lam-duong-cao-toc-de-xoa-doi-giam-ngheo-734918.html