Làm đường sắt lên đồi
'Trong cái khó ló cái khôn', người nông dân vốn quen gắn bó với vườn - ao - chuồng - rừng đã cùng con và cháu thiết kế, lắp đặt thành công 2 tuyến đường sắt lên đồi để giải phóng sức lao động, vừa tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của gia đình.
Hằng ngày, đều đặn những chuyến xe chở cám gạo, cám ngô và những vật dụng cần thiết phục vụ chăn nuôi đàn gà hàng vạn con trên lưng đồi được đưa lên bằng xe goòng chạy trên đường ray thông qua nút điều khiển bằng điện. Rồi khi những lứa gà đến kỳ thu hoạch, lại theo xe goòng rời lưng đồi xuống phố… Công việc ấy đã trở thành quen thuộc mấy năm nay của gia đình ông Vũ Văn Thính, thôn Thái Vô, xã Xuân Quang (Bảo Thắng).
Dẫn tôi đi tham quan tuyến đường sắt lên đồi đầu tiên làm cách đây 6 năm, ông Thính kể: Trước năm 2014, gia đình đã phát triển chăn nuôi gà đồi, do các chuồng chăn nuôi được xây ở lưng đồi, độ dốc 60% - 70% nên rất vất vả khi vận chuyển thức ăn lên cho gà. Thấy vậy, gia đình đã tự chế chiếc xe gỗ, có ròng rọc kéo lên xuống, chạy trên nền đất, nhưng những hôm trời mưa, dốc cao, trơn trượt, xe gỗ không thể lên được, thành ra phải còng lưng vác từng bao cám cho gà, trượt ngã bất cứ lúc nào. Thế rồi, khi đứa cháu họ tốt nghiệp Khoa Cầu đường, Đại học Giao thông vận tải về thăm nhà, vậy là hai bác cháu bàn nhau thiết kế tuyến đường sắt mini này.
Cậu cháu họ tên là Vũ Văn Thọ đã giúp người bác của mình lên danh mục mua sắm vật tư, thiết kế, hướng dẫn ông bác lắp ráp. Thậm chí, một số vật tư không có ở miền Bắc, phải đặt mua tận Thành phố Hồ Chí Minh. Khi có đủ vật tư, gia đình ông Thính bắt tay ngay vào thi công, từ đổ bê tông nền đường, lắp đặt hệ thống “tà vẹt”, đường sắt, chế tạo xe goòng, lắp đặt hộp số, dây cáp. Hơn nửa tháng trời ròng rã thi công từ sáng đến chiều, tuyến đường sắt lên đồi đầu tiên dài 80 m với tổng chi phí hơn 100 triệu đồng đã hoàn thành. Ngày đầu tiên ấn nút điều khiển, chuyến xe goòng chở vài tạ thức ăn cho gà từ từ leo đồi trong sự vui mừng của cả gia đình ông Thính, bởi sự vất vả đã vơi đi bội phần, bất kể mưa nắng, ông không còn lo lắng việc vận chuyển lên xuống để phục vụ trang trại gà trên đồi nữa.
Đều đặn mỗi ngày, hơn 2 tạ cám cho gà được vận chuyển lên đỉnh đồi. Trang trại nuôi gà rộng hơn 1 ha trên đồi, có 6 chuồng nuôi, mỗi năm gia đình ông Thính nuôi và xuất bán 2 lứa gà thương phẩm, mỗi lứa hơn 1 vạn con. Không dừng lại ở đó, năm 2017, ông Thính tiếp tục làm thêm 1 tuyến đường sắt lên đồi để trồng chuối tiêu hồng. Tuyến đường sắt thứ 2 dài 120 m, chi phí 120 triệu đồng. Để đưa 6 tấn chuối giống và 15 - 16 tấn phân bón lên tận đỉnh đồi bằng sức người thực sự không đơn giản, nhưng nhờ có tuyến đường sắt, mọi việc trở nên nhàn tênh, chỉ cần cho vào xe goòng, bấm nút điều khiển, chỉ trong chục phút đã lên đến đỉnh đồi.
Ông Thính tâm sự: Nhìn 2 tuyến đường sắt vận hành trơn tru, mọi người đều nghĩ là đơn giản, nhưng có trực tiếp làm mới thấy khó khăn, phức tạp. Mọi công đoạn đều phải rất chính xác, cẩn trọng, mặt bằng đặt đường ray phải cân bằng thì xe goòng không bị nghiêng, lật đổ; đường ray phải thẳng tuyệt đối và khoảng cách giữa 2 ray phải chuẩn từ trên xuống dưới thì xe goòng mới không bị trượt bánh. Do vậy, phải tính toán thật chuẩn, rất may việc khó này đã có đứa cháu lo hết.
Vẫn công năng sử dụng 2 chiều, chiều lên chở vật liệu, phân bón phục vụ trồng chuối, chở cám cho gà; chiều xuống chở sản phẩm từ trên đỉnh đồi xuống chân đồi, đưa đi tiêu thụ, những chuyến tàu leo đồi của gia đình ông Vũ Văn Thính đã mang về mỗi năm cho gia đình ông hàng tỷ đồng tiền lãi…
Trong 3 năm trở lại đây, chăn nuôi gặp phải những thăng trầm, sóng gió về dịch bệnh, giá cả lên xuống thất thường, nhưng nhờ biết cách làm trang trại theo hướng chăn nuôi an toàn, tuân thủ nghiêm những biện pháp về vệ sinh thú y, nên phần nào gia đình ông Thính hạn chế được những rủi ro. Điều thuận lợi với gia đình ông Thính là cậu con trai tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp đã từ bỏ công việc Nhà nước để về giúp bố mẹ làm trang trại. Hằng ngày, vợ chồng ông Thính quán xuyến việc chăn nuôi trong trang trại, còn cậu con trai Vũ Văn Đức và con dâu làm nhiệm vụ cung ứng giống gà, giống lợn, dịch vụ thú y cho bà con trong và ngoài huyện. Công việc bận rộn, cuốn hút vợ chồng cậu con trai, thành thử vợ chồng ông Thính phải thuê thêm 5 nhân công để làm việc trực tiếp tại trang trại. 5 lao động đều có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành về nông nghiệp và chăn nuôi thú y. Ngoài ra, những lúc vào thời vụ thu hoạch chuối hoặc xuất bán lợn, gà, gia đình ông thuê thêm nhân công thời vụ, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhưng đây lại là một trong những trang trại điển hình của tỉnh về đảm bảo vệ sinh môi trường. Rất nhiều đoàn tham quan của huyện, của tỉnh đã đến học tập cách làm trang trại của gia đình ông Vũ Văn Thính, nhất là thăm mô hình làm tuyến đường sắt lên đồi. Cách đây mấy năm, con trai ông Thính đã trở thành nhân vật điển hình trong chuyên mục “Sinh ra từ làng” trên kênh VTV6.
Ông Vũ Văn Thính bộc bạch: Cũng may có tuyến đường sắt lên đồi này, gia đình đã thuận lợi hơn trong phát triển chăn nuôi, nếu không gia đình phải thuê rất nhiều nhân công và cũng không thể làm xuể được, bởi ngoài 1 vạn con gà mỗi lứa, hiện tại gia đình đang nuôi 80 con lợn nái, 300 con lợn thịt, trồng 6.000 cây chuối tiêu hồng. Mỗi năm, gia đình xuất bán hàng nghìn con lợn giống. Với lượng chăn nuôi quy mô như vậy, nếu không có tuyến đường sắt chuyên chở cám cũng như các vật dụng phục vụ chăn nuôi khác, thì rất khó để gia đình hạch toán kinh tế có lãi được.
Tuyến đường sắt lên đồi là “trợ thủ” đắc lực cho gia đình ông Thính trong phát triển kinh tế. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sáng tạo, cải tiến các công đoạn trong phát triển kinh tế trang trại đã chứng minh tiềm năng của những nông dân như ông Thính. Năm 2017, ông Vũ Văn Thính là đại biểu duy nhất của tỉnh Lào Cai được tuyên dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc; năm 2019, ông Thính cũng là đại diện duy nhất cho những nông dân sản xuất giỏi của tỉnh Lào Cai được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.