Làm đường trên cao Bắc - Nam TP.HCM, các chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia giao thông cho rằng việc xây dựng đường trên cao là một giải pháp, song TP.HCM cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ với nhiều khía cạnh.
Ngày 20-6, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết mới đây Sở và Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã họp bàn về nghiên cứu đề xuất dùng vốn xã hội hóa để xây dựng tuyến đường trên cao Bắc - Nam (từ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình đến đường Nguyễn Văn Linh, quận 7).
Nhiều kiến nghị với dự án đường trên cao
Theo đó, Sở GTVT TP.HCM cũng đã góp ý để CII nghiên cứu chi tiết hơn. Trong đó, đặc biệt chú ý đến hai đầu nút giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và Nguyễn Văn Linh bởi lưu lượng phương tiện lưu thông lớn. Đồng thời, CII cũng cần đánh giá nhu cầu, lưu lượng phương tiện giao thông ở các tuyến đường lân cận.
Đối với thông tin CII nghiên cứu, ghép hai tuyến đường trên cao thành dự án thì có đúng với quy hoạch không? (PV), Sở GTVT TP.HCM cho rằng hiện CII đang nghiên cứu và việc thực hiện luồng tuyến và mặt cắt ngang đúng theo quy hoạch, và hợp lý.
Hiện CII và Sở GTVT TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, thảo luận các bước tiếp theo của dự án.
Lãnh đạo CII cho biết dự kiến mức phí sử dụng dịch vụ đường trên cao dự kiến thu tại năm 2026 là 130.000 đồng /lượt (suốt tuyến), áp dụng cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải khách công cộng.
Năm năm sẽ tăng mức phí một lần, mỗi lần 25%. Với mức thu này, thời gian thu phí để hoàn 90% vốn cho dự án là 50 năm 2 tháng.
So với báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 8.000 tỉ đồng, chủ yếu từ chi phí GPMB.
Đại diện CII cho biết, trong điều kiện TP.HCM còn khó khăn về nguồn vốn và phương án hoàn vốn, sau khi nghiên cứu về lưu lượng, xu hướng và nhu cầu di chuyển của các xe, CII đề xuất dùng nguồn vốn xã hội hóa xây dựng đường trên cao Bắc – Nam.
"Thực ra việc đầu tư này rất “rủi ro” cho nhà đầu tư. Bởi lẽ, người dân có nhiều sự lựa chọn để di chuyển – có thể đi đường trên cao hoặc đi các tuyến đường hiện hữu. Theo đó, khó có thể đánh giá là giá vé cao hay thấp" - đại điện CII nhận định.
CII kiến nghị TP cho đầu tư xây dựng và khai thác các căn hộ dịch vụ ở phía trên phần đường xuyên qua cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) để bổ sung nguồn hoàn vốn cho dự án (thời gian cho thuê là 49 năm).
Theo CII, đây là đề xuất mang tính đột phá, nhằm bổ sung nguồn hoàn vốn cho dự án cũng như sử dụng có hiệu quả quỹ đất đô thị. Thiết kế khu vực này sẽ tạo điểm nhấn về kiến trúc và quy hoạch, khai thác tối đa yếu tố cảnh quan của cù lao Nguyễn Kiệu.
Cần nghiên cứu thật kỹ
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định trong bối cảnh các tuyến đường ở TP.HCM đang quá tải, cộng với việc khả năng GPMB khó khăn thì phương án xây dựng đường trên cao là khả thi.
“Đây là tuyến lưu thông liên mạch theo hướng Bắc – Nam của TP. Tuyến này vừa kết nối nội đô, vừa kết nối liên vùng nhằm tạo ra bước đệm cho nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP trong tương lai. ” – ông Cương nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng hiện nay quỹ đất không còn, thì phương án làm được trên cao nên được khuyến khích. Tuy nhiên, việc xây dựng cao ốc cho thuê dọc tuyến thì cần xem xét lại, nhất là về mặt thiết kế. Vì khi khi xây cao ốc sẽ có tác động đến cảnh quan đô thị cũng như liên quan đến yếu tố an toàn giao thông.
Theo ông Sơn, chúng ta cần nghiên cứu theo hướng đường trên cao này đóng góp gì cho phát triển đô thị (đô thị dọc tuyến sẽ ra sao? Tái định cư cho người dân như thế nào). Bên cạnh đó, cần có tính toán phần phía dưới đường trên cao cần làm gì? Trường hợp nhà đầu tư muốn đề xuất đầu tư phía dưới, thì đơn vị tư vấn cũng cần phải giải trình cụ thể.
“Ngoài ra, chúng ta cần đánh giá tác động giao thông ở các tuyến đường lân cận trước khi triển khai đầu tư. Tôi cho rằng ngành giao thông TP cần phân tích sâu sắc, cẩn trọng trong việc đầu tư tuyến đường này” – ông Sơn góp ý.
CII cho biết, đường trên cao Bắc - Nam TP.HCM kết nối từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn văn Linh (quận 7).
Dự án có tổng mức đầu tư trên 38.000 tỉ đồng. Đơn vị đã xây dựng rất nhiều mô hình tài chính để tính toán, song do tổng mức đầu tư quá lớn nên việc thực hiện toàn bộ dự án bằng hình thức đối tác công tư (PPP) là không khả thi.
Cụ thể, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) là 18.992 tỉ đồng (đơn giá năm 2022), chi phí xây dựng công trình là 19.200 tỉ đồng. So với báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện cách đây năm tháng, con số này đã tăng hơn 8.000 tỉ đồng, chủ yếu đến từ chi phí GPMB.
Áp dụng theo Điều 72 của Luật đầu tư theo phương thức PPP, CII kiến nghị TP được tách dự án làm hai dự án độc lập. Trong đó, dự án 1 sẽ thực hiện đền bù GPMB và xây dựng nhà tái định cư, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP.
Dự án 2 là đầu tư xây dựng đường trên cao Bắc – Nam, được đầu tư bằng hình thức BOT. Thời gian xây dựng của dự án 2 là 36 tháng và chỉ được triển khai khi dự án 1 đã hoàn thành.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-duong-tren-cao-bac-nam-tp-hcm-cac-chuyen-gia-noi-gi-post683088.html