Làm 'game' với thẻ tín dụng: Rủi ro cho cả người vay lẫn ngân hàng
Dùng thẻ tín dụng để vay cho một khoản chi bất thường, lớn hơn nhiều so với thu nhập cố định hàng tháng, thì rủi ro rơi vào bẫy tín dụng là rất lớn. Đối với các ngân hàng thì đây cũng là đang đùa với lửa, vì khả năng chuyển thành nợ xấu của các khoản vay này là rất cao.
Lợi có bù được hại?
Có không ít người sử dụng thẻ không biết rằng thẻ ngân hàng, về cơ bản có thể chia làm hai loại: tạm vay ngân hàng để chi tiêu trước rồi hoàn trả sau, gọi là thẻ tín dụng (credit card), và chi tiêu trực tiếp từ số dư tài khoản là thẻ thanh toán (debit/ATM card). Mục đích sử dụng của từng loại thẻ là khác nhau, đi kèm đó là các quy định về điều kiện sử dụng, hạn mức chi tiêu, mức phí, lãi suất cũng khác nhau.
Với thẻ tín dụng, mục đích chính là chủ thẻ tạm vay trước để chi trả các chi phí sinh hoạt thường xuyên, đến lúc nhận được thu nhập cố định trong tháng (chủ yếu là tiền lương), sẽ hoàn trả lại. Thông thường, nếu chủ thẻ hoàn trả đúng thời hạn của từng chu kỳ, thường là 45 ngày ở Việt Nam, thì các khoản tạm vay không phải trả lãi. Nhưng đây cũng là cái bẫy của thẻ tín dụng vì rất nhiều người không biết rằng số ngày không phải trả lãi ngân hàng sẽ giảm dần khi càng gần đến ngày ngân hàng lập bảng sao kê của tháng. Cụ thể, nếu khoản chi tiêu phát sinh ngay trước ngày sao kê hàng tháng, thì số ngày không phải trả lãi không còn là 45 ngày nữa, mà chỉ là 10-15 ngày. Thêm vào đó, số dư nợ phải hoàn trả của tháng đó bao gồm khoản chi gần nhất. Nếu chủ thẻ không hoàn trả đủ thì sẽ bị áp dụng lãi suất vay theo thỏa thuận, mà thông thường thì rất cao so với lãi suất thị trường, từ đó rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Do đó, hạn mức chi tiêu của thẻ tín dụng mà chủ thẻ cần tự thiết lập cho mình nên ở mức tối đa thu nhập định kỳ. Ở nhiều nước, để tránh rủi ro mất khả năng thanh toán của chủ thẻ, hạn mức tín dụng được cấp rất sát với thu nhập thực tế, trong khi đó, ở Việt Nam, hạn mức có thể gấp 4-5 lần thu nhập cố định hàng tháng. Điều này khiến cho nhiều chủ thẻ tín dụng nghĩ rằng mình có thể sử dụng thẻ để thay thế cho các loại hình vay nợ khác, mà đâu biết rằng vay qua thẻ là rất rủi ro.
Về khía cạnh an toàn tài chính, nếu có một khoản chi tiêu lớn hơn thu nhập cố định hàng tháng mà khả năng tài chính hiện tại không đủ, thì khoản chi đó nên được thông qua một khoản vay trả dần, kéo dài có thể từ 12-48 tháng. Các ngân hàng ở Việt Nam đều có sản phẩm vay tín chấp, nhiều ngân hàng có điều kiện cho vay tín chấp giống như thẻ tín dụng, ở mức thu nhập tối thiểu 3 triệu đồng/tháng. Thế thì vì sao một số ngân hàng lại gợi ý cách lách luật cho khách hàng vay ngắn hạn?
Bẫy khách hàng hay áp lực cạnh tranh?
Những người có nhu cầu vay gấp trong thời hạn ngắn và số tiền lớn hơn thu nhập cố định hàng tháng thì rủi ro tín dụng rất cao. Chính vì vậy, có những tổ chức cho vay chuyên biệt cho phân khúc này, cả hợp pháp và bất hợp pháp, nhưng đều với một điểm chung là lãi suất rất cao so với mặt bằng thị trường để bù đắp lại rủi ro. Hiện nay, một số ngân hàng ở Việt Nam có phải vì áp lực doanh số mà bước chân vào phân khúc này, hay đây là cái bẫy họ giăng ra cho chủ thẻ và thậm chí chính họ?
Như đã phân tích ở trên, thẻ tín dụng có mục đích chính là tạm vay chi tiêu và hoàn trả trong tháng bằng thu nhập cố định. Dù vậy, đã có rất nhiều nạn nhân của thẻ tín dụng ở khắp nơi trên thế giới do không thể kiểm soát được chi tiêu của mình. Huống gì trong trường hợp dùng thẻ tín dụng để vay cho một khoản chi bất thường, lớn hơn nhiều so với thu nhập cố định hàng tháng, thì rủi ro rơi vào bẫy tín dụng là rất lớn vì khó hoàn trả kịp trong thời gian gia hạn vài chục ngày.
Võ Đình Trí