Làm gì còn nhiều rừng mà gọi là 'Đại ngàn Tây Nguyên'
Tây Nguyên vào những ngày giữa mùa hoa cà phê phủ trắng nương rẫy, chúng tôi tìm về buôn làng để được nghe các già làng kể câu chuyện xưa cũ.
"Người già nhớ chuyện cũ" là câu thành ngữ của người Gia Rai. "Thanh niên thích leo núi" là câu thành ngữ của người Ba Na. Đối với già làng các dân tộc Tây Nguyên, rừng là tất cả. Trong ký ức của nhiều già làng K’Ho, Chu Ru, Ê Ðê…còn vẹn nguyên hình ảnh cánh rừng bất tận với những con đường chỉ "đủ bàn chân", người sau dẫm lên dấu chân người đi trước...
Xã Đạ Chais (Lạc Dương, Lâm Đồng) nằm ở độ cao 1.500 m so với mặt biển nên không gian ở đây mát lạnh. Khi nắng bắt đầu lên, sương sớm vẫn bảng lảng trên những ngọn núi, nắng len lén trườn qua kẽ lá, rót xuống từng sợi lung linh giữa làn sương mờ tỏ.
Đạ Chais là xã có diện tích lớn nhất huyện Lạc Dương với trên 34.000 ha, trong đó đất lâm nghiệp gần 32.000ha, giáp với các xã của 3 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận. Xã nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang và trên lâm phần rừng đầu nguồn Đa Nhim. Hiện Đạ Chais có tỷ lệ độ che phủ rừng tới 93%, cao nhất huyện Lạc Dương (trung bình đạt 85%).
Buôn Ðưng K’si của đồng bào K’Ho Cil nằm ở chân núi Bidoup chỉ còn vài chục người già, nhưng có đến cả ngàn sự khắc khoải đến tê tái của lớp người đi trước với rừng. Thật lạ, sống cạnh khu rừng có nhiều kỳ hoa dị thảo mà vẫn thấy thiếu rừng.
Bên hiên nhà vừa mới cất chưa lâu, già Bon Tô Sa Nga phà khói thuốc, nhìn về phía núi.
Trải qua gần 70 mùa rẫy, đôi chân già Bon Tô Sa Nga đầy những vết chai, duy chỉ đôi mắt và nụ cười vẫn như trẻ thơ, hồn hậu và cởi mở. Tâm tính già phóng khoáng như những ngọn núi, bí ẩn và kiêu hãnh tựa sâu thẳm đại ngàn..
Cạnh bếp lửa được đốt lên trong cái lạnh căm căm của thung lũng, đôi mắt già Bon Tô Sa Nga đượm vẻ buồn với ánh nhìn xa xăm, có điều gì khắc khoải, day dứt, thôi thúc, ám ảnh.
Vẫn biết rằng theo quy luật, khi con người đông hơn rừng núi sẽ thu hẹp lại, nhưng già vẫn cảm thấy buồn và nhớ rừng của ngày xưa…
Già Bon Tô Sa Nga bảo, mấy năm gần đây, huyện Lạc Dương trở thành điểm nóng về phá rừng. Ở xã Đạ Chais hồi giữa năm 2022 cũng xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng, hơn 50 cây thông ba lá đã bị cưa hạ trên tích hơn 3.000 m2 rừng đặc dụng bị phá.
Xưa, nói là xưa thôi nhưng cách nay vài chục năm chứ mấy, khoảng những năm 1980 trở về trước, cả huyện Lạc Dương vẫn còn rất hoang sơ, toàn rừng là rừng.
Xưa, không phải chỉ vào khu vực rừng quốc gia mới thấy những cây rừng quý hiếm, mà bước ra cửa đã chạm rừng, trùng điệp rừng, thăm thẳm rừng thành đại ngàn hùng vĩ, ngay cạnh nhà là những cây rừng cổ thụ 2 - 3 người ôm mới hết một vòng cây.
Cây pơ mu, cây gió bầu (cho trầm hương, kỳ nam), quế, hồi, cung nữ Langbiang vẫn còn nhiều. Rừng bao quanh đường, đường xuyên trong rừng. Buôn nào xa rừng nhất thì đi cách nhà mấy đoạn “quăng dao" là đã vào tới rừng.
Vào mùa khô, những người đàn ông khỏe mạnh trong gia đình cùng nhau gùi sản vật của rừng xuống miền xuôi để đổi muối. Ngày đó, vào rừng không cẩn thận là lạc như chơi. Có những khoảng rừng rậm rạp tới mức gần như không nhìn thấy bầu trời, người đi rừng cần tìm nguồn nước lắng nghe tiếng chim chơ-rao ở đâu thì lần đến đó, thế nào cũng gặp nước.
Rừng ngày xưa không “sạch sẽ” như hiện tại mà đầy những cây tạp, thực bì, vắt, muỗi... Đi trong rừng, ngước lên những thân cây cao vút bám đầy rêu từ gốc tới ngọn, những cây dây leo nhỏ buông thõng đu đưa như đan mành. Cây rừng cứ quấn quýt, đan vào nhau, tựa vào nhau, tầng tầng lớp lớp. Những chú vượn đen má vàng, khướu đầu đen lấp ló, chim ríu rít kêu.
Rừng cho buôn làng cả thức ăn và thức uống. Đi rừng không sợ đói cái bụng, quả rừng chỗ nào cũng có, khát thì thân cây vặn ra lấy nước. Gặp một tổ ong thì đủ không đói cả mấy ngày. Thú rừng thấy người không chạy, bầy nai xuống uống nước ven suối ngay cạnh người.
Đứng trên buôn này gọi người buôn kia cách nhau cả ngọn núi mà tiếng hú luồn lách qua những cây rừng, vượt qua năm suối bốn đèo rồi cũng đến tai nhau. Khi muông thú trong rừng gọi đàn cả bốn tỉnh đều nghe.
Để sinh tồn và phát triển giữa thiên nhiên, núi rừng, người K’Ho dần hình thành những cách ứng xử, phong tục, tạo nên tính chất đa thần trong đời sống tinh thần của cộng đồng K’Ho.
Họ tin rằng trong cuộc sống đang diễn ra thường ngày vẫn luôn có một lực lượng siêu nhiên, các đấng bề trên tối cao tồn tại và dõi theo từ rừng xanh sâu thẳm, những đỉnh núi cao hùng vĩ, đến những hang động, khe suối, con sông… Người K’Ho vẫn gọi các đấng siêu nhiên như thần thánh và ma quỷ với cái tên đầy tôn kính và sùng bái là Yàng và Cà.
Với quan niệm vạn vật hữu linh, tín ngưỡng đa thần, bà con nơi đây tin rằng, núi rừng thiêng chính là vị thần lớn cai trị nhiều vị thần tốt bụng còn lại và luôn sẵn lòng che chở cho buôn làng.
Vì vậy, bảo vệ rừng với đồng bào K’Ho vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ thiêng liêng. Giữ rừng để bảo vệ môi trường sống, nguồn nước tưới, không ai được xâm phạm khi chưa được phép của thần rừng, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, bắt một con thú...
Người K’Ho xưa bảo nhau chỉ mượn đất của rừng vừa đủ cái ăn, không được ăn hết lộc của Yàng. Có nghĩa là một mảnh rừng chỉ chặt cây nhỏ, để lại cây lớn cho thần lúa ở trên ngọn, còn mình núp dưới tán cây nghỉ mát. Sau vài mùa rẫy dân làng chuyển đi nơi mới rồi chục năm sau trở lại nơi cũ tái khai phá canh tác, làm như thế cây rừng vẫn còn, thần lúa vẫn còn, con cháu cứ thế tồn tại.
Tay run run gẩy than cho bếp lửa thêm hồng, giọng già Bon Tô Sa Nga chùng xuống, trong ánh sáng của bếp củi lép bép cháy, dáng già như một sơn nhân giữa rừng già hắt bóng lên bức tường…
Những mạch cảm xúc đứt quãng, những câu chuyện gần như vỡ vụn dần trong trí nhớ của cái tuổi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.
Ngày nay đường lớn đã mở, miền ngược và miền xuôi đã thông thương. Những chỗ trước là rừng già, tìm được lối đi rộng đã là khó, bây giờ trống rộng thênh thang, nhìn về phía nào cũng không còn vướng mắt.
Ánh nắng trên đầu cũng dần gay gắt hơn, mưa gió dữ dội hơn, rồi những đám rẫy mọc lên, lại nhiều hơn những dòng người đổ vào vùng đất mới. Màu xanh dần nhường chỗ cho màu người.
Những tiếng máy cưa, tiếng cây rừng đổ rạp xuống rền rã núi rừng ngày này qua tháng khác ám ảnh trong tâm trí những người già dưới chân núi Bidoup. Những năm gần đây, xuất hiện những nhóm người từ nơi khác đến vô tư cưa hạ thông.
Trên đỉnh núi Bà, hàng trăm cây thông cổ thụ bị cưa hạ, đốt cháy đen nằm ngổn ngang. Ở những xã lân cận, rừng thông ba lá còn bị ken gốc, khoan lỗ rồi đổ hóa chất làm cây chết... Người ta đến bao chiếm đất rừng để trồng cây ăn trái hoặc bán đất rừng.
Cuối năm 2012, gần 20 người từ nơi khác đến đem theo cưa máy phá rừng pơ mu với quy mô lớn tại vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Họ chặt hạ không thương tiếc hàng chục cây pơ mu có tuổi thọ hàng trăm năm, đường kính lớn hơn 1m
Sau khi rừng bị tàn phá, người ta đưa phương tiện cơ giới đến đào bới, vận chuyển hàng ngàn m3 đất ra khỏi hiện trường… Chim muông xao xác, thú rừng chạy xa. Rồi dần dần mầm cao su, tiêu, cà phê mọc lên thẳng hàng ngang, dọc thay cho những tán rừng.
Những mảng rừng bị thiêu trụi để làm rẫy, phân lô đem bán ngày càng nhiều. Đứng từ chân núi Langbiang nhìn về các phía sẽ thấy giữa màu xanh sườn núi là những khoảng lớn màu nâu sậm nham nhở.
Rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn cứ bị đẩy lùi vào sâu, sâu nữa - nơi mà hầu như không có nhà cửa.
Cách nhà già Bon Tô Sa Nga “một con dốc”, già Cil Ju Ha Giản 65 tuổi, ở thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương gần 20 năm qua vẫn được nhiều người ở vùng rừng Bidoup - Núi Bà và rừng phòng hộ Đa Nhim nhắc đến như một minh chứng cho những người K’Ho Cil yêu rừng.
Dưới ánh nắng le lói của ngày mới, già Ha Giản lặng lẽ chuẩn bị vật dùng cần thiết để đi thăm rừng. Trong ánh đèn điện đỏ quạch hắt ra từ hiên nhà, bóng Ha Giản in trên nền đất cô độc mà vững chãi như hình ảnh những đứa con của rừng trong các câu chuyện người Cil đậm chất sử thi.
Già Cil Ju Ha Giản bảo, bây giờ đời sống khá hơn, nhà xây nền gạch, ra đường đi bằng xe máy, điện thoại di động trong tay nhưng vẫn thấy thiếu điều gì đó không giải thích nổi, có lẽ là rừng.
Bà con sống không có rừng, cồng chiêng khua lên không có rừng, Kơmbuat (kèn ống bầu), Kơrla (đàn ống tre), Sơgơr (trống) reo lên không có rừng tự nhiên, hội hè trở thành một điều gì đó thiếu vắng.
Già Bon Tô Sa Nga, già Ha Giản và người già muốn đi thăm rừng, thăm con thú sẽ băng qua con đường dài sau nhà, lên những dãy núi gần nương rẫy.
Chính vì tình yêu với rừng nên già Cil Ju Ha Giản đã 30 năm làm nhiệm vụ tuần tra giữ rừng và tổ chức những đội giữ rừng chuyên nghiệp. Già uy tín như một già làng và giỏi đi rừng như con thú đầu đàn nên được đơn vị quản lý rừng Đa Nhim nhờ tổ chức đội tuần tra rừng với hơn 40 người.
Già Giản có thể thuộc làu làu những vị trí trong rừng có cây cổ thụ quý hiếm. Ông được các cán bộ trạm bảo vệ rừng Đa Nhim tin tưởng như "đôi tay tin vào đôi chân" - cách người Cil nói về niềm tin tuyệt đối.
Nhờ có già Ha Giản nên lực lượng kiểm lâm ở Đa Nhim đã đến được nơi "lâm tặc" hạ trại cùng cưa máy - một khoảnh rừng có hàng chục cây bạch tùng, du san, toàn cây có tên trong sách đỏ.
Già Ha Giản yêu rừng một cách lạ thường, ông nhận đi giữ rừng một cách tự nguyện. Già Giản nói "tổ tiên người Cil ở giữa cánh rừng này đã từ ngàn năm. Người Cil để mất rừng là mất danh dự".
Già kể, người Cil sống ở xã Đa Nhim bây giờ trước kia ở làng Dưng Iar Diêng, một ngôi làng sâu bên trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Làng cũ không tiện để có một cuộc sống tiện nghi, phát triển nên người Cil được cấp đất ngoài xã Đa Nhim. Với người Cil, được định cư - định canh ở cạnh lãnh địa của tổ tiên xưa kia khiến họ rất cảm kích.
Người Cil yêu rừng, vì vậy, những câu chuyện người Cil ở Đa Nhim giúp ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà và ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim giữ rừng nhiều như những ngày tháng mà họ đã sống cùng rừng. Và sự nhiệt tình chưa hề giảm đi.
“Rừng còn thì con chim, con thú mới có chỗ ở, con cháu mình có nơi bao bọc”, già Ha Giản nói chắc nịch.
Sinh ra và lớn lên trong sự che chở của rừng già ở bon (buôn) Pu Prâng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) rồi theo vợ về sinh sống tại buôn Tul A (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), cũng sống cạnh những cánh rừng nên khi già Điểu Klung (82 tuổi) nhìn những cánh rừng nơi đây đang ngày một thu hẹp dần, ông chẳng thể nào giấu được nỗi buồn.
“Nhớ” là điệp từ trong từng câu chuyện kể của già. Khi mặt trời khuất dần sau ngọn núi, miền ký ức hoang hoải về đại ngàn lại sống dậy trong ông. Và không chỉ nhớ, già đã rơi nước mắt vì thương những cánh rừng đã từng chịu ngàn vạn “vết thương”.
Già bảo, người M’Nông có niềm tin vào tín ngưỡng đa thần. Họ bảo nhau rằng, thần linh trú ngụ khắp nơi: Thần đất phù hộ cho gia đình, thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn, thần rừng nuôi chim thú cung cấp lương thực cho con người. Thần núi, thần suối, thác nước giữ nguồn nước cho bon làng, thần lúa và thần hoa màu cho vụ mùa bội thu, cây cối tươi tốt, thần sét ở trên trời trừng phạt kẻ làm điều xấu.
Luật tục M’nông có những quy định chặt chẽ về bảo vệ rừng, khai thác đất rừng, đất rẫy, tập tục làm rẫy, tục lệ trồng trỉa, các hoạt động săn bắt thú rừng…
“Đốt lửa trong cỏ khô, lửa sẽ đốt cháy buôn làng, rẫy lúa, rừng khô, thú vật, tài sản của mọi người. Đốn cây đừng cho ngã ngược, chặt cây đừng cho dập cành. Luật tục cấm mọi người không được làm gì ảnh hưởng đến sự phát triển của rừng.
Đối với hồ nước sinh hoạt của buôn làng thì cấm mọi người làm dơ bẩn nguồn nước. Nếu người nào vi phạm những điều cấm trên thì tùy theo tính chất, hoàn cảnh kinh tế giàu nghèo sẽ bị phạt: trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng Yàng xin tha tội”.
Luật tục M’Nông cũng quy định, khu rừng sâu là của tổ tiên, của con cháu, của ông bà, của chúng ta. Do đó, nếu ai phá rừng sẽ bị lên án bằng cách: “Làm nhà đừng dùng cây nữa; làm chòi đừng đừng dùng cây nữa; làm rẫy không phát rừng nữa; khi thiếu đói đừng đào củ nữa…”.
Rừng Ea Nhôn kéo dài năm, bảy chục cây số, tít tắp đến tận Bản Đôn, Ea Súp. Rừng Cư M’gar, Buôn Gia Wầm rậm rạp, đầy gỗ quý như cẩm lai, cà te, giáng hương, cam xe, cà chít, sao, dổi… ở đấy còn cơ man là nai, hoẵng, lợn rừng…
Khu vực dọc theo triền núi Chư Yang Sin từ Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, về ba xã Yang Mao, Cư Pui, Cư Drăm là cả một vùng rừng tự nhiên với nhiều tầng cây từ sao, chò, bằng lăng, cầy, tre, le và dưới cùng là cỏ tranh và bụi dây leo. Cứ mỗi sáng từng đàn chim bồ chao (Chơ rao), chim dồn dột, áo già, chim két… từ những rừng le, đồng cỏ lau sậy kêu vang trời.
Giờ đây, tuy đã phóng tầm mắt thật xa, rất xa, nhưng hình ảnh “núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ” trong ký ức ngày nào không sao hiển hiện!
Bây giờ từ Buôn Ky đi Bản Đôn chỉ thấy nhà san sát nhà, cà phê san sát cà phê. Cả vùng rừng Cư M’gar giờ chỉ còn sót lại vài ba cây kơ nia đứng trơ trọi như để chứng giám cho một thời nơi đây đã có đại ngàn.
Rừng đã dần lùi xa, nhưng những người già trên mảnh đất Tây Nguyên không ai có thể quên mình đã lớn lên trong sự chở che bao bọc của rừng. Nỗi nhớ luôn canh cánh, khi chiều về càng cồn cào, thôi thúc. Một ngày không nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim lảnh lót, tiếng bước chân thú rừng giẫm trên cành lá mục là quay quắt nhớ.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lam-gi-con-nhieu-rung-ma-goi-la-dai-ngan-tay-nguyen-ar868533.html