Làm gì để bảo vệ hơn nữa quyền lợi của lao động nữ?
PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp đưa ra nhiều kiến nghị liên quan chế độ thai sản để đảm bảo quyền lợi chính đáng của lao động nữ.
Sáng 7-10, Trường ĐH Văn Lang phối hợp cùng Trường ĐH Luật (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của hội thảo lần này. Bà Diệu hy vọng những tham luận của hội thảo sẽ đóng góp thiết thực cho việc góp ý hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (dự kiến được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sắp tới).
Tại hội thảo, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng bộ môn Luật Dân sự, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) dẫn chiếu các quy định về chế độ thai sản của Luật An sinh xã hội Pháp và đưa ra một số khuyến nghị để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH của Việt Nam.
Thứ nhất, PGS Phương Diệp cho biết theo quy định hiện nay của Luật BHXH thì toàn bộ các khoản trợ cấp thai sản (bao gồm trợ cấp khi đi khám thai, trợ cấp nghỉ sinh con…) đều do cơ quan BHXH Việt Nam chi trả theo quy trình thống nhất.
Trên thực tế, quy trình chi trả này tương đối phức tạp đối với các khoản trợ cấp nhỏ (như trợ cấp khi nghỉ để đi khám thai…). Điều này dẫn đến thực tiễn là người lao động (NLĐ) không sử dụng các quyền này của mình (bỏ qua quyền). Nói cách khác, đây là một quyền được ghi nhận thiếu tính thực tiễn.
Do đó, PGS Phương Diệp cho rằng đối với khoản trợ cấp trả khi nghỉ đi khám thai nên quy định theo hướng NLĐ có quyền được nghỉ để đi khám thai và khi nghỉ để đi khám thai theo quy định thì NLĐ được hưởng nguyên lương.
“Quy định này một mặt giúp NLĐ thuận tiện hơn trong việc thực hiện quyền, mặt khác là một sự san sẻ trách nhiệm của người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc chăm lo an sinh xã hội cho NLĐ, khoản chi trả cũng không quá lớn đến mức có thể gây khó khăn cho NSDLĐ”, PGS-TS Phương Diệp nêu quan điểm.
Thứ hai, cần cân bằng một cách tương đối quyền nghỉ thai sản của lao động nam và lao động nữ bằng cách giảm thời gian nghỉ sinh con của lao động nữ và tăng thời gian nghỉ của lao động nam khi vợ sinh con.
Bà Diệp cho rằng việc cân bằng quyền được nghỉ thai sản của người cha và người mẹ của đứa trẻ cần tính toán đến ba yếu tố: (1) Đảm bảo khả năng chi trả của BHXH (không làm tăng khoản chi), (2) Đảm bảo quyền của đứa trẻ được chăm sóc bởi cha, mẹ một cách trực tiếp và (3) Tăng khả năng phát triển nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến trong công việc của lao động nữ.
Cũng theo PGS-TS Phương Diệp, cần ghi nhận việc ngừng thực hiện tất cả các công việc tạo thu nhập của NLĐ nữ như một điều kiện “đủ” để được hưởng trợ cấp thai sản bên cạnh các điều kiện cần là phải tham gia BHXH đủ một giới hạn thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.
Lý giải cho đề xuất này, bà Diệp cho biết bản chất của nghỉ thai sản là để sinh con và chăm sóc con, do đó đòi hỏi trong thực tiễn là NLĐ phải thực sự ngừng tất cả các công việc để thực hiện chức năng này, có như vậy thì NLĐ mới thật sự cần đến quyền được trợ cấp…
Cần cân nhắc về mức trần chi trả trợ cấp thai sản
Cũng giống như trợ cấp thất nghiệp hay trợ cấp hưu trí, cũng cần giới hạn mức trần chi trả chế độ trợ cấp thai sản trên cơ sở san sẻ và đảm bảo công bằng xã hội giữa người có thu nhập cao và người có thu nhập thấp.
Nói cách khác, trợ cấp BHXH nói chung, trợ cấp thai sản nói riêng cũng nên được xem là một loại công cụ điều tiết thu nhập có thể sử dụng để đảm bảo duy trì an sinh xã hội bền vững theo thời gian.
Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-gi-de-bao-ve-hon-nua-quyen-loi-cua-lao-dong-nu-post755309.html