Làm gì để cho trẻ thích đọc sách?
kinhtedothi - Những năm gần đây, vào dịp Tết, mùa lễ hội đầu năm, sự kiện được nhiều người quan tâm là 'hội sách', 'phố sách', 'đường sách'... nơi hội tụ mọi tầng lớp yêu và thích đọc sách.
Tin vui cho biết: Lễ hội sách Tết Ất Tỵ tại TP Hồ Chí Minh có hơn 1 triệu lượt khách tham quan, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng trong 7 ngày tổ chức. Điều này chứng tỏ, người Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học vẫn đang mong muốn tiếp cận sách và dành thời gian cho việc đọc sách.
Thế nhưng, truyền thống là vậy, mong muốn là vậy, nhưng thực tế, văn hóa đọc đang mai một, số người đọc sách ngày càng ít.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số 61 quốc gia dành thời gian đọc sách nhiều nhất, có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan, Malaysia, nhưng không có Việt Nam. Số sách được in hằng năm tại Việt Nam lên đến mấy chục triệu cuốn nhưng chủ yếu là... sách giáo khoa.
Trái ngược hình ảnh Việt Nam, trẻ em thích lướt mạng, người lớn bận bịu đủ thứ không có thời gian đọc sách, nhiều nước thực sự chứng tỏ họ là quốc gia ham đọc.
Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có một thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, trong số đó khoảng hơn 1.000 là thư viện công cộng. Quốc gia này còn có một ngày được đặt tên là Sabbath - ngày nghỉ ngơi. Trong ngày này, tất cả hoạt động kinh doanh giải trí đều dừng lại, riêng nhà sách được mở cửa.
Bình quân mỗi năm một người Nhật đọc hơn 10 cuốn sách. Họ có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ: đường phố, bến xe buýt , trên tàu điện ngầm… thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng - Tachiyomi.
Nước Đức, khảo sát năm 2015 với 25.000 người từ 14 tuổi trở lên, có đến 68,7% số người thích đọc sách và thường xuyên đọc; 29.6% đam mê sách.
T
rở lại câu chuyện của hội chợ sách đầu Xuân, nếu không tổ chức gian hàng sách đẹp ở quận 1 (đường Lê Lợi và đường Nguyễn Văn Bình) và nếu không phải là thời gian nghỉ lễ, thì người dân có đến đông và mua sách như vậy không?
Nói vậy để thấy, tổ chức các sự kiện về sách là đáng quý, cần thiết nhưng chưa đủ để phục hồi văn hóa đọc.
Một độc giả tuổi gần 60 cho biết: trên thực tế văn hóa đọc cách nay mấy chục năm đã gặp nhiều khó khăn, do tình hình chung của đất nước những năm cuối chiến tranh và mới thoát ra chiến tranh. Lúc đó, người trẻ có đủ sách giáo khoa để học (mượn của nhà trường) là đã tốt lắm rồi.
Thời gian sau đó, sách được xuất bản mới về đến hiệu sách huyện nhưng cũng không nhiều. Vì thế, cũng không có nhiều trẻ tiếp cận được sách.
Ngày nay, sách được in nhiều nhưng... ế. Người lớn bận đủ thứ; trẻ thì bận học và bận xem TikTok, YouTube...
Vấn đề ở đây là gì? Nhiều chuyên gia cho rằng, để khơi dậy văn hóa đọc, phải bắt đầu từ lứa tuổi học sinh, tức trên ghế nhà trường. Chúng ta phải nhìn lại cách cho trẻ học, làm sao tạo điều kiện cho chúng tiếp xúc nhiều sách.
Một nhà báo nói rằng, tại một nước ở châu Âu, trẻ em học về Shakespeare chỉ 90 phút trên lớp, thầy giới thiệu về tiểu sử, thời đại ông đang sống, cho một danh sách về sách liên quan đến ông. Sau đó, học sinh vào thư viện quẹt thẻ mượn sách đọc viết thu hoạch về nhà soạn kịch vĩ đại này trong vòng 3 tuần...
Nghĩa là, trẻ nghe thầy giảng theo kiểu "cho gì ăn nấy" thì ít, tự đọc và tìm hiểu thì nhiều. Nhà trường dành thời gian và khuyến khích cho trẻ đọc sách, ngay từ cách dạy - học.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-cho-tre-thich-doc-sach.html