Làm gì để đấu thầu không còn là sàn diễn chia phần, ưu ái sân sau?

Phát biểu thẳng thắn của Tổng Bí thư Tô Lâm về thực trạng 'bán thầu đến F10' không chỉ nêu một hiện tượng đáng lo ngại, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết phải chấn chỉnh lại toàn bộ chuỗi quy trình đầu tư công.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 17/5/2025 về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và các luật liên quan đến đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra một nhận xét không thể thẳng thắn hơn: “Thầu rất to, dựng lên những máy móc, thiết bị lớn nhưng đến lúc làm đường không thấy đâu, đã bán đến F9, F10 rồi. Khi ấy công nhân phải gánh từng gánh đá, ngồi đập đá chứ không thấy máy móc gì…”.

Hiếm có một phát biểu nào mang tính hình tượng mà lại đanh thép đến vậy. Nó không chỉ bóc trần thực trạng trì trệ trong công tác đấu thầu, mà còn chất vấn trực tiếp những mắt xích yếu kém trong hệ thống đầu tư công của Việt Nam hiện nay. Và nếu nhìn sâu hơn, phát biểu ấy là một chỉ đạo sâu sắc, nghiêm túc đến thực trạng đầu tư công, nơi mà các tầng nấc trung gian “F1 đến F10” không chỉ làm đội giá dự án mà còn hủy hoại cả niềm tin và năng lực quản trị quốc gia.

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ về sửa luật Đấu thầu Ảnh: Gia Hân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ về sửa luật Đấu thầu Ảnh: Gia Hân.

Trong quá trình “chuyển nhượng vô hình” ấy, mỗi tầng lớp trung gian đều rút một phần lợi nhuận, dẫn đến thực tế phổ biến: máy móc không còn, công nhân phải gánh đá làm đường, còn chất lượng công trình thì khỏi nói. Đó là lý do tại sao rất nhiều tuyến đường, cây cầu, bệnh viện… khi vừa khánh thành đã xuống cấp, thậm chí chưa xong đã hỏng rồi được đổ lỗi cho “trời mưa nhiều”, “địa chất yếu”, hay “vật liệu biến động”.

Điều đáng sợ hơn cả là sự “bình thường hóa hiện tượng này” đã kéo dài nhiều năm, nhưng không ai đứng ra chặn đứng. Cho đến khi Tổng Bí thư nói ra công khai trước Quốc hội, như một cảnh báo, đồng thời là lời kêu gọi trách nhiệm.

Phát biểu của Tổng Bí thư không chỉ nêu hiện tượng, mà còn đặt tên cho các lỗi của cơ chế đấu thầu hiện tại: “Tội làm chậm sự phát triển, tội gây ra công trình kém chất lượng, tội làm mất cán bộ, cuối cùng lại không tiết kiệm được gì cho ngân sách”.

Chỉ trong một câu, ông đã liệt kê 3 tầng hậu quả: kinh tế, chất lượng và thể chế. Mỗi tội ấy đều có căn nguyên sâu xa từ sự sa sút đạo đức công vụ và thiếu vắng trách nhiệm cá nhân trong bộ máy.

Người ta đấu thầu không phải vì tìm kiếm phương án hiệu quả nhất cho đất nước, mà để tạo sân sau, chia phần, làm đẹp báo cáo. Cái gọi là minh bạch trong đấu thầu không phải minh bạch thực chất, mà là minh bạch kỹ thuật, tức là hợp thức hóa mọi quy trình để không ai chịu trách nhiệm nếu dự án thất bại. Kết quả là có thể không ai phạm luật, nhưng tất cả đều sai về đạo đức và trách nhiệm công vụ.

Hệ thống đấu thầu được thiết kế nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch và tiết kiệm ngân sách. Nhưng trong thực tế, rất nhiều gói thầu được “ép giá” đến mức phi lý để trúng thầu, rồi sau đó tìm mọi cách “lấy lại” bằng cách cắt giảm chất lượng, kéo dài thời gian, hoặc thậm chí “chạy vốn” trong chính hệ thống.

Đó là cái vòng luẩn quẩn của một nền đấu thầu tiết kiệm giả tạo: ngân sách không giảm, chất lượng không tăng, còn thời gian và niềm tin thì cứ hao mòn theo từng lớp bê tông rỗng ruột.

Và như Tổng Bí thư nói, cuối cùng “không tiết kiệm được gì cho ngân sách”, thậm chí còn đội vốn gấp nhiều lần do sửa chữa, chậm tiến độ, hoặc “giải cứu” công trình.

Nhìn từ phiên thảo luận ngày 17/5, nhiều người kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật PPP… sẽ góp phần chặn đứng những “F10” đang hủy hoại đầu tư công. Nhưng câu hỏi lớn hơn là: liệu sửa luật có đủ không?

 Những công trình bị bỏ hoang.

Những công trình bị bỏ hoang.

Thực tế, Việt Nam không thiếu luật, thậm chí còn rất nhiều luật chặt chẽ, chi tiết. Nhưng điều đang thiếu chính là cơ chế thực thi minh bạch và chế tài đủ mạnh. Luật tốt đến đâu mà người thực thi yếu kém, tư lợi hoặc không bị ràng buộc bởi đạo đức công vụ thì cuối cùng vẫn sinh ra những “F10” hợp pháp.

Cải cách thể chế không chỉ là sửa luật, mà là xây dựng lại văn hóa trách nhiệm, minh bạch và chống lợi ích nhóm trong toàn bộ chu trình đầu tư công: từ lập dự án, lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ, giám sát chất lượng, đến quyết toán và kiểm toán.

Điều cần làm ngay là bịt các kẽ hở pháp lý trong Luật Đấu thầu. Trong luật hiện hành, việc bán thầu, chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần khối lượng công việc, tuy bị cấm, nhưng rất khó kiểm soát. Bởi quá trình “bán” không diễn ra công khai, mà được hợp thức hóa bằng các hợp đồng thầu phụ, các biên bản thỏa thuận dân sự “bên trong bên ngoài”. Luật cần cụ thể hóa các tình huống này, đồng thời quy trách nhiệm đến tận cùng, không chỉ xử lý nhà thầu “tay sai”, mà phải truy ngược lên nhà thầu chính đã bán quyền.

Thứ hai, nâng cao năng lực thẩm định và giám sát. Hệ thống giám sát đầu tư hiện nay vừa yếu, vừa thiếu, dễ bị thao túng. Cần trao quyền lớn hơn cho cơ quan kiểm toán, thanh tra và đặc biệt là vai trò giám sát cộng đồng, báo chí.

Thứ ba, và có lẽ quan trọng nhất: phải trả lại tinh thần phục vụ công ích cho toàn bộ hệ thống đầu tư công. Một công trình không chỉ là vài km đường hay vài chục phòng bệnh, nó là tiền của dân, là biểu hiện cụ thể của sự phát triển. Nếu chúng ta vẫn coi đấu thầu là “trận địa để chia phần”, thì dù luật có sửa đến đâu, hệ thống vẫn sẽ xoay xở để thích nghi với cái sai.

Trong bối cảnh dư luận ngày càng giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư công, những phát biểu mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm là cần thiết, và càng đáng trân trọng. Nhưng điều cần thiết hơn là biến sự chỉ đạo đó thành hành động thực chất, thay vì để nó tan biến vào một vòng luẩn quẩn cải cách nửa vời.

Sự thật “F10” đã được nói ra, nghĩa là không còn ai có thể làm ngơ trước nó nữa. Đã đến lúc trả lại đúng nghĩa cho hai chữ “đấu thầu”: không phải là đấu mưu để chia phần, mà là cạnh tranh để chọn được người tốt nhất làm điều tốt nhất cho dân, cho nước.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lam-gi-de-dau-thau-khong-con-la-san-dien-chia-phan-uu-ai-san-sau-post185881.html