'Rót' hàng ngàn tỷ đồng, TP.HCM vẫn cứ mưa là ngập - Bài 3: Khi hồ điều tiết, công viên cây xanh còn nằm... trên giấy

Hồ điều tiết và công viên cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc chống ngập. TP.HCM cũng đã nhìn nhận rõ vấn đề này từ rất sớm. Tuy nhiên, các dự án, đề án xây dựng hồ điều tiết, công viên cây xanh vẫn nằm… trên giấy.

Tại TP.HCM, hệ thống kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước, nhưng nghẽn dòng, vì bị nhà cửa lấn chiếm; hệ thống cống ngầm có tuổi thọ trên 100 năm, chỉ có khả năng đáp ứng nhiệm vụ tiêu thoát nước cho quy mô dân số khoảng 2 triệu người, song phải “gánh” hơn 10 triệu người. Trong khi đó, loạt công trình chống ngập, ngăn triều có vốn đầu tư ngàn tỷ đồng, vô cùng cần thiết, thì tắc nghẽn vì nhiều lý do. Nếu những nguyên nhân căn cơ này chưa được giải quyết, thì người dân TP.HCM vẫn khốn đốn mỗi mùa mưa về.

Hồ Đại Nhật giúp cư dân Khu đô thị Vạn Phúc (TP.HCM) không sống trong ngập lụt

Hồ Đại Nhật giúp cư dân Khu đô thị Vạn Phúc (TP.HCM) không sống trong ngập lụt

Bài 3: Khi hồ điều tiết, công viên cây xanh còn nằm... trên giấy

Hồ điều tiết và công viên cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc chống ngập. TP.HCM cũng đã nhìn nhận rõ vấn đề này từ rất sớm. Tuy nhiên, các dự án, đề án xây dựng hồ điều tiết, công viên cây xanh vẫn nằm… trên giấy.

Nơi có hồ điều tiết, dân không phải… tát nước khi trời mưa

Theo chuyên gia Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và Tây Nguyên, trận mưa đầu mùa vào ngày 10/5, với lượng mưa gần 230 mm, là trận mưa lớn nhất ở TP.HCM kể từ năm 2018.

Đương nhiên, với thực trạng của TP.HCM, trận mưa này đã gây ngập lụt hàng loạt tuyến đường, khu vực dân cư ở nhiều quận, huyện, đặc biệt là khu vực chợ Thủ Đức (TP. Thủ Đức).

Nhưng, cũng tại TP. Thủ Đức, trong khi nhiều gia đình ở các khu dân cư “nín thở” trong ngôi nhà ngập nước cống, thì cư dân Khu đô thị Vạn Phúc lại “thư thái” ngắm mưa. Lý do là, trong Khu đô thị Vạn Phúc, chủ đầu tư - Tập đoàn Vạn Phúc - đã đầu tư xây dựng công viên trung tâm rộng 19 ha, trong đó có 7 ha mặt nước (hồ Đại Nhật), 12 ha công viên cảnh quan. Diện tích công viên không bị bê tông hóa giúp nước mưa nhanh ngấm xuống đất. Hồ Đại Nhật trữ dòng chảy tràn gây ngập do mưa cho các khu vực. Vì vậy, nhà cửa của cư dân nơi đây mới không bị ngập nước cống như khu vực lân cận.

Tương tự, tại Khu đô thị Đông Tăng Long có hồ Hạc Cầm, có khả năng chứa nước mưa, giúp giảm tình trạng ngập lụt và đảm bảo hệ thống thoát nước của khu đô thị hoạt động hiệu quả. Hồ này còn đóng vai trò như một hồ sinh thái lớn, giúp cải thiện chất lượng môi trường. Khu vực bên hồ là nơi thư giãn, vui chơi cho mọi người. Một cư dân sống tại khu đô thị này chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, lúc mưa lớn nhất, vỉa hè bên trong nhà dân vẫn khô ráo, bởi nước chỉ dồn ứ nhẹ ở một số miệng cống trên đường rồi thoát nhanh.

Diện tích công viên công cộng của TP.HCM tính đến cuối năm 2019 là 508,561 ha, trong giai đoạn 2020 - 2025 đã phát triển thêm 237,51 ha. Tuy nhiên, vẫn rất khiêm tốn so với diện tích quy hoạch công viên cây xanh của Thành phố là 11.418,47 ha.

- Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM

PGS-TS. Nguyễn Phú Quỳnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, hồ điều tiết là một giải pháp hiệu quả để chống ngập lụt đô thị và cải thiện môi trường, giúp tích trữ nước mưa khi hệ thống thoát nước không kịp xử lý, giảm áp lực lên hệ thống cống và kênh rạch, từ đó hạn chế ngập lụt. Bên cạnh đó, hồ điều tiết có thể tạo không gian xanh, giúp điều hòa không khí và cung cấp môi trường sống cho động - thực vật. Nước trong hồ điều tiết có thể ngấm xuống lòng đất, góp phần bổ sung nguồn nước ngầm và ngăn chặn tình trạng lún đất.

Mới đây, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, UBND TP.HCM đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của hồ điều tiết. Giải pháp hạ tầng chống ngập và thích ứng biến đổi khí hậu được Thành phố đưa ra là xây hệ thống hồ điều tiết để trữ dòng chảy tràn gây ngập do mưa cho các khu vực nằm trong hệ thống đê, kè, đường ngăn triều và hành lang kiểm soát ngập, khi hệ thống không thể thoát nước mưa ra ngoài do mực nước trên sông dâng cao.

Thậm chí, tại các khu vực trung tâm đô thị hiện hữu có rủi ro ngập lụt cao, còn quỹ đất để bố trí hồ điều tiết, UBND TP.HCM kiến nghị giải pháp xây dựng không gian ngầm để điều tiết nước, lưu giữ nước nhằm hỗ trợ quản lý ngập lụt đô thị.

Theo chuyên gia, nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng giảm thiểu tình trạng ngập lụt nhờ làm hồ điều tiết. Điển hình là Fukuoka (Nhật Bản), từ khi có hồ điều tiết Sanno (năm 2012) đến nay, thành phố này không còn bị ngập như những năm trước. Còn tại Tokyo, kể từ khi hệ thống thoát nước G-Cans (được xây dựng sâu 50 m dưới lòng đất) đi vào hoạt động, các trung tâm thương mại lớn ở đây tránh được ngập lụt, giúp mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 40 tỷ yên mỗi năm.

103 hồ điều tiết đều “nằm trên giấy”

Không phải đến bây giờ, mà từ nhiều năm trước, TP.HCM đã nhìn nhận rõ giá trị của hồ điều tiết và từng quy hoạch xây dựng 103 hồ điều tiết với tổng diện tích khoảng 875 ha.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM) đề xuất ưu tiên làm 3 hồ là Gò Dưa (tại TP. Thủ Đức, tổng diện tích 95 ha, giai đoạn đầu triển khai 25 ha), Bàu Cát (tại quận Tân Bình, diện tích 4 ha) và Khánh Hội (tại quận 4, diện tích 4,8 ha).

Trong đó, hồ Gò Dưa có quy mô lớn nhất. Ngoài xây hồ, khoảng 15 km kênh, rạch xung quanh hồ sẽ được nạo vét; hệ thống trạm bơm công suất lớn hỗ trợ chống ngập khi mưa kết hợp triều cường cũng được xây dựng. Khi hoàn thành, Dự án có thể chống ngập khoảng 1.300 ha cho khu vực, góp phần cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch triển khai 3 hồ điều tiết nói trên tạm dừng.

Năm 2017, TP.HCM cho phép Công ty Sekisui (Nhật Bản) xây thí điểm một hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân (TP. Thủ Đức) với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Theo đánh giá sau đó, hồ này đã giúp giảm thiểu ngập lớn cho khu vực.

Trên cơ sở này, cuối năm 2018, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đề xuất xây 7 hồ điều tiết với tổng vốn 475 tỷ đồng, gồm công viên Làng Hoa (quận Gò Vấp) 20.000 m3; công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) 10.000 m3; khu dân cư Trần Thiện Chánh (quận 10) 5.000 m3; đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) 2.000 m3; cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ 4.000 m3.

Các hồ ngầm này dự kiến áp dụng công nghệ cross-wave của Nhật Bản, vật liệu polypropylene với độ bền cao, dễ thi công, không gian trữ nước tới 90%, thân thiện môi trường... Nhưng sau đó, các dự án trên cũng không triển khai được.

Tới năm 2021, TP.HCM phê duyệt Đề án Chống ngập và xử lý nước thải 2020 - 2045, trong đó, giai đoạn đầu (2020 - 2030), Thành phố xây 7 hồ điều tiết tại các vùng trũng thấp với vốn đầu tư dự kiến là 1.500 tỷ đồng.

Trong báo cáo tổng kết mới đây về Đề án Chống ngập và xử lý nước thải 2020 - 2045 của cơ quan chức năng, cũng không thấy “bóng dáng” của hồ điều tiết.

Giải pháp nào cho thực trạng “bê tông hóa”?

Tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM đã và đang diễn ra nhanh chóng. Dự kiến, tỷ lệ đô thị hóa tại TP.HCM đạt trên 90% vào năm 2050. Thành phố đang hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị toàn cầu, đầu tàu về kinh tế xanh và kinh tế số.

Đô thị hóa bao nhiêu, đồng nghĩa với “bê tông hóa” bấy nhiêu. Trong khi đó, theo các chuyên gia, chính thực trạng “bê tông hóa” diện rộng tại TP.HCM thời gian qua đã góp phần làm gia tăng ngập lụt, do giảm khả năng thấm nước, làm tăng lượng nước chảy tràn trên mặt đất. Trong khi đó, hệ thống thoát nước đô thị không đủ sức ứng phó với lượng nước chảy tràn lớn, dẫn đến tình trạng ngập úng.

Trong quá trình phát triển đô thị, “bê tông hóa” là không thể tránh khỏi. Vì vậy, phát triển công viên cây xanh, tạo khoảng trống cho đất “thở”, nước ngấm là một trong những giải pháp để đô thị không còn cảnh người dân bì bõm lội nước mỗi khi trời mưa.

Trong Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 vừa trình Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM cũng quy hoạch phát triển nhiều mảng xanh để đáp ứng giải pháp tiêu thoát, chống ngập. Cụ thể, tại các khu vực chức năng đô thị tiếp giáp với tuyến kênh, rạch tự nhiên, ưu tiên tạo hành lang xanh kết hợp hồ điều hòa và kết nối với khu cây xanh công cộng nhằm tăng cường năng lực điều tiết, thoát nước trong Thành phố.

Thực ra, vấn đề này cũng không mới. Năm 2021, UBND TP.HCM đã ban hành 2 quyết định về Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2030. Tới tháng 2/2025, UBND TP.HCM có báo cáo tổng kết về kết quả thực hiện. Theo đó, Thành phố phát triển được 237,51 ha công viên công cộng, đạt 158% so với chỉ tiêu; phát triển 54,04 ha mảng xanh công cộng, đạt 540% so với chỉ tiêu; trồng mới và cải tạo 42.534 cây xanh, đạt 140% so với chỉ tiêu.

Tuy nhiên, kết quả phát triển diện tích công viên công cộng đạt và vượt chỉ tiêu ở giai đoạn này còn nhờ việc “đẩy mạnh việc phát triển các công viên, mảng xanh trong các dự án khu dân cư, góp phần lớn vào chỉ tiêu phát triển chung của Thành phố”.

Trong khi đó, theo kế hoạch trên, TP.HCM có 75 dự án ưu tiên đầu tư xây dựng, nhưng đến nay mới có 8 dự án được bổ sung vào Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2020 - 2025.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/rot-hang-ngan-ty-dong-tphcm-van-cu-mua-la-ngap---bai-3-khi-ho-dieu-tiet-cong-vien-cay-xanh-con-nam-tren-giay-d289804.html