Làm gì để đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2%?
Sau một thời gian ngắn, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở biên độ hẹp, thời gian gần đây khoảng cách này được nới rộng lên khoảng 12 - 14 triệu đồng/lượng. Nếu không có biện pháp can thiệp, mức chênh lệch này có thể sẽ tiếp tục gia tăng và có thể dẫn đến những hệ lụy, trong đó có tình trạng buôn lậu vàng.
Theo ghi nhận ngày 27/5, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch ở mức 3.338 USD/ounce, quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 106,16 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng SJC đang giao dịch ở mức 116,5 – 119 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 12,84 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng, Thủ tướng đã yêu cầu phải nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán, đồng thời tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ vừa giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng để thị trường này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Trả lời câu hỏi làm sao để đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2% như chỉ đạo của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thượng sách là cho phép nhập khẩu vàng, yêu cầu các đơn vị nhập khẩu bán sỉ cho các doanh nghiệp bán lẻ.
Trung sách là cho phép 9 ngân hàng thương mại và 4 công ty kinh doanh vàng được nhập khẩu vàng, lập một sàn giao dịch, định giá theo quy định. Sàn này không được bán lẻ. Đây là cách mà Trung Quốc đang thực hiện, giúp giá vàng trong nước không chênh lệch quá cao so với thị trường thế giới.

Giá vàng trong nước đang cao hơn khoảng 12,84 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới
“Vàng là nguồn dự trữ vô cùng quan trọng. Mỗi năm Việt Nam chỉ cần nhập khẩu 3-4 tỷ USD vàng, nhưng nhiều người đã lo “chảy máu ngoại tệ”, trong khi nhập khẩu rượu ngoại, xì gà, thuốc lá ngoại tới 8 tỷ USD/năm lại không ai nói về vấn đề này, đây là điều rất phi lý”, TS. Nghĩa nêu quan điểm.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét sự thiếu hụt nguồn cung vàng chính thức để đáp ứng nhu cầu trong nước càng đẩy giá vàng trong nước lên cao, vì sức cầu đang ngày càng mạnh mẽ, một phần do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư và tác động từ thị trường vàng quốc tế.
Để thu hẹp khoảng cách này và bình ổn giá vàng, theo ông Hiếu, điều đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ bỏ vai trò là nhà nhập khẩu vàng duy nhất và chuyển sang vai trò quản lý, đứng ngoài quan sát thị trường. Việc nhập khẩu vàng có thể giao cho các nhà kinh doanh vàng có uy tín và năng lực tài chính, thay vì để NHNN thực hiện.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu vàng này vẫn cần hoạt động dưới sự giám sát và chỉ đạo của NHNN, có thể thông qua việc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng mỗi năm. Việc này sẽ giúp NHNN kiểm soát được lượng vàng nhập khẩu và đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động vàng miếng.
Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng theo hình thức rút gọn để phù hợp tình hình, hoàn thành trong tháng 6/2025, đồng thời rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường vàng, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Điều thứ hai là để tạo ra một sân chơi công bằng và thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường vàng, NHNN cần rút lại thương hiệu quốc gia đối với vàng miếng, chẳng hạn như vàng miếng SJC. Việc này sẽ giúp các sản phẩm vàng được cạnh tranh bình đẳng, từ đó giảm tình trạng vàng SJC luôn được tôn trọng hơn và có giá cao hơn so với các sản phẩm khác.
Đồng tình, nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng đang rất mong muốn được nhập khẩu vàng để sản xuất trang sức xuất khẩu. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng sau 13 năm áp dụng, Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) với quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, trong khi chỉ có một thương hiệu vàng miếng là SJC, đã nảy sinh rất nhiều bất cập do cơ quan quản lý "vừa đá bóng vừa thổi còi". Do vậy cần phải sửa quy định này, đồng thời cho phép công ty vàng được nhập vàng nguyên liệu dưới sự quản lý của Nhà nước.
Trước ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng, TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ quan điểm ủng hộ. Ông nói, trong ý kiến chỉ đạo vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ việc nghiên cứu hình thành sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán; tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Điều này có nghĩa là khi sàn vàng quốc gia ra đời, mọi người dân đều có thể đăng ký giao dịch.
“Tất cả các giao dịch vàng nên được thực hiện qua sàn giao dịch chính thức, thông qua sàn giao dịch, các nhà kinh doanh vàng có thể phát hành chứng chỉ vàng thay vì mua bán vàng vật chất. Các nhà kinh doanh vàng phải có trụ sở hợp pháp, đủ vốn điều lệ và đáp ứng các tiêu chí của cơ quan quản lý. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng mà còn giúp đảm bảo chất lượng vàng”, ông Hiếu nêu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ mô hình, đối tượng tham gia, cơ quan nào tổ chức quản lý?... Trên thế giới có vài chục sàn giao dịch vàng hoạt động dưới nhiều hình thức như bán vàng vật chất (vàng thỏi, vàng miếng), vàng tài khoản hoặc hợp đồng vàng tương lai.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng NPJ nêu ý kiến: "Nếu lập sàn vàng thì nên theo mô hình sàn trung tâm như sàn Hong Kong, New York chứ để mạnh ai nấy mở sàn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực".
Thực tế, đề xuất lập sàn giao dịch vàng quốc gia đã được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra trong thời gian qua. Cách đây vài năm, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã đề nghị NHNN trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 24/và có đề cập vấn đề này.
Theo Hiệp hội, sàn giao dịch vàng ra đời không chỉ góp phần giảm thiểu giao dịch vàng vật chất, huy động được nguồn vàng trong dân, mà còn tăng dự trữ vàng quốc gia, giảm thiểu tình trạng thanh toán mua bán vàng bằng tiền mặt, tăng thu thuế cho Nhà nước và chắc chắn sẽ loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp pháp.