Làm gì để đứng vững trước đại dịch Covid-19?

Sau các 'làn sóng' dịch Covid – 19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, ngành công nghiệp không khói đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, 'thiên đường' nghỉ dưỡng khu vực Hàm Tiến – Mũi Né cũng rơi vào tình trạng kiệt quệ. Vì vậy, để gượng dậy và khôi phục lại hoạt động đang là thách thức cho các nhà quản lý cũng như đơn vị kinh doanh.

Khi nông dân linh hoạt

Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid - 19 đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống du lịch thế giới nói chung và ngành du lịch Việt Nam nói riêng. Tại Bình Thuận, nơi vốn được mệnh danh là “thủ đô resort” cũng không ngoại lệ.

Cầm cự giữa đại dịch

Đến phố Tây (phường Hàm Tiến, TP. Phan Thiết) những ngày giữa tháng 3/2021, đường sá thưa người qua lại, không còn cảnh xe cộ tấp nập đến và đi dù là dịp cuối tuần. Hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ dọc đường Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa, các resort, nhà hàng, khách sạn như “đóng băng”… Đó là tình hình chung không riêng gì Hàm Tiến - Mũi Né. Tuy nhiên, giữa sự yên ắng, tĩnh lặng của phố Tây, thì trong khuôn viên của resort Poshanu - phường Phú Hài, thấp thoáng giữa giàn bông giấy đỏ rực, giữa mái ngói đỏ tươi là những tà áo dài tha thướt, tiếng cười nói rộn ràng của các đoàn khách địa phương. Khuôn viên nhà hàng vẫn nhộn nhịp từng nhóm khách nhỏ, chủ yếu là khách nội địa. Trái với sự tiêu điều ngoài kia, Poshanu vẫn đều đặn đón khách dù không phải là dịp cuối tuần.

Chị Nguyễn Phương Nga – đại diện nhóm khách ở phường Phú Thủy đang tham quan ở resort chia sẻ: “Nhóm chúng tôi dự tính đi du lịch vào ngày 8/3 nhưng resort kín chỗ. Do đó, phải dời lại 1 tuần sau. Khu du lịch này đang có chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giá cả hợp lý và đặc biệt hơn, chúng tôi cảm thấy rất yên tâm về các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt ở đây”. Đến thời điểm này, Poshanu là một trong số ít resort còn mở cửa và đón khách tương đối ổn định. Đó là tín hiệu vui, là cơ hội cũng như thách thức cho nhà quản lý nơi đây.

Nói về kinh nghiệm để tồn tại trong mùa dịch, ông Phan Trung Can - Giám đốc Điều hành resort Poshanu – một trong những resort có “sức đề kháng” tốt trong thời điểm dịch Covid - 19 chia sẻ: “Chúng tôi đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội vừa qua tiến hành tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất. Đồng thời, thuê chuyên gia từ TP. HCM rà soát lại quy trình và từng bước tập huấn, nâng cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên. Đặc biệt, chúng tôi có những gói ưu đãi dành cho từng đối tượng riêng biệt nhằm kích cầu du lịch. Nhờ đó nguồn thu tương đối ổn định, hầu hết các ngày cuối tuần đều kín phòng”. Tuy nhiên, ông Can cũng không khỏi trăn trở: “Nếu dịch Covid – 19 tiếp tục kéo dài, chắc rằng số doanh nghiệp du lịch giải thể sẽ ngày càng nhiều. Vì hiện nay, đa số các resort đang bị tê liệt, thu không đủ chi, buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động. Cơ sở nào càng lớn, thiệt hại càng nặng”.

Resort Poshanu – một trong những đơn vị có “sức đề kháng” tốt trong mùa dịch.

Resort Poshanu – một trong những đơn vị có “sức đề kháng” tốt trong mùa dịch.

Nhận diện điểm đến an toàn

Suốt hơn 1 năm qua, để ứng phó với tác động của dịch Covid - 19, đa số các doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp tạm thời, như cho lao động nghỉ không lương từ 22 – 50%, giảm lương nhân công, cho lao động nghỉ luân phiên, giãn giờ làm hay thậm chí cắt giảm lao động. Đặc biệt trong năm qua, Bình Thuận chỉ đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch chỉ đạt hơn 9.400 tỷ đồng (giảm 38% so năm 2019).

Trước tình hình dịch Covid - 19 bùng phát và có diễn biến phức tạp, ngành du lịch Bình Thuận xác định sẽ không ngừng xây dựng điểm đến du lịch thân thiện, an toàn và chất lượng. Theo đó, Bình Thuận là địa phương tiên phong thực hiện cấp nhãn nhận diện an toàn cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch. Tính đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp nhãn nhận diện an toàn cho 19 cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch thực hiện đúng các tiêu chí phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho du khách. Việc cấp nhãn nhận diện an toàn này không chỉ góp phần phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách mà còn là mục tiêu hướng tới xây dựng điểm đến Bình Thuận an toàn, hiếu khách. Là 1 trong 5 đơn vị đầu tiên được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận công nhận về công tác an toàn phòng chống dịch, resort Poshanu đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch kết hợp tuyên truyền rộng rãi trên các kênh và luôn nhấn mạnh Bình Thuận vẫn là điểm đến an toàn.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít các đơn vị, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm mọi cách cầm cự trong mùa dịch. Để du lịch Bình Thuận vực dậy, phục hồi như cũ, lãnh đạo các sở ngành, các chuyên gia phải có những giải pháp, những hỗ trợ thiết thực hơn. Vậy những giải pháp đó là gì?

Theo thống kê từ doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, trong năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, có tới 80 – 90% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm ngừng kinh doanh, một số doanh nghiệp phá sản, giải thể. Riêng các cơ sở lưu trú có quy mô càng lớn thì thiệt hại càng nặng.

K.HẰng – M.Vân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/trang%20du%20lich/lam-gi-de-dung-vung-truoc-dai-dich-covid-19-bai-1-thach-thuc-cac-nha-quan-ly-va-doanh-nghiep-136117.html