Làm gì để giảm bớt những vụ hỏa hoạn thương tâm?
Những vụ hỏa hoạn thương tâm thời gian gần đây cho thấy nguy cơ mất an toàn do hỏa hoạn hiện nay rất cao, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe tài sản của nhiều người, cần phải có nghiên cứu đánh giá và có giải pháp tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Những vụ cháy nhà dân nhiều người tử vong
Vụ cháy nhà tại quận Hà Đông, Hà Nội làm 4 nạn nhân tử vong khiến nhiều người xót xa. Trước đó, cũng đã xảy ra những vụ cháy khiến nhiều người tử vong.
Sáng 13/5, Công an TP Hà Nội nhận được tin báo cháy tại ngôi nhà cao 3 tầng, 1 tum ở phường Quang Trung, quận Hà Đông. Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố nhanh chóng điều động Công an quận Hà Đông, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khu vực IV xuống hiện trường làm nhiệm vụ. Đến khoảng 8h15, đám cháy được khống chế và dập tắt. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình tiếp cận tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra các tầng đã phát hiện 4 nạn nhân là bà cháu tử vong trong đám cháy.
Hồi 14h07 ngày 12/5, Trung tâm 114 - Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hải Phòng nhận tin báo cháy tại số nhà 144 Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền. Trong nhà có 4 người. Do phát hiện cháy chậm, cửa cuốn ra vào đóng nên chỉ có 1 người thoát ra ngoài an toàn qua ô cửa sổ, 3 người mắc kẹt trong đám cháy và thiệt mạng.
Rạng sáng 16/4, xảy ra vụ cháy nhà thương tâm tại một ngôi nhà 3 tầng trên đường Nguyễn Văn Huyên, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã triển khai máy cắt qua thang để phá dỡ khung sắt cửa sổ tầng 2, tiếp cận cứu được 3 người. Riêng hai nạn nhân 8 tuổi và 4 tuổi ở hành lang tầng tum, khi cảnh sát PCCC tiếp cận được thì đã đã tử vong.
Tối 2/3, một ngôi nhà gỗ ở Tak Răng (thôn 2, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bất ngờ bốc cháy lớn. Vụ hỏa hoạn khiến 2 người ở trong ngôi nhà này tử vong. Do địa hình xảy ra vụ cháy nhà dân ở cách xa khu dân cư nên công tác ứng cứu gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân ban đầu có thể 2 người này đã đốt củi sưởi ấm dẫn đến vụ cháy.
PCCC là một trong những hoạt động vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội. Để đảm bảo an toàn tính mạng sức khỏe và tài sản của bản thân mình, của cơ quan tổ chức thì các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định pháp luật về PCCC. Trong đó, phòng cháy luôn được chú trọng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, yêu cầu mọi tổ chức cá nhân phải tuân thủ để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ xảy ra trong xã hội.
Hành vi không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn PCCC là một trong những nguyên nhân chính, chủ yếu gây ra những vụ hỏa hoạn gần đây. Với những cơ sở kinh doanh, những khu vực, địa điểm, ngành nghề có nguy cơ cháy nổ cao thì yêu cầu đảm bảo an toàn về PCCC được quy định cụ thể, chặt chẽ và vấn đề kiểm tra kiểm soát được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Với những khu dân cư thì nguy cơ cháy nổ cũng cao và khi đám cháy xảy ra thì thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là không tránh khỏi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ và hậu quả nghiêm trọng, có thể kể đến những nguyên nhân như không đảm bảo tuân thủ các quy định về PCCC, do chập điện, do bất cẩn trong việc sử dụng các chất dễ cháy... Dù nguyên nhân nào chăng nữa thì khi vụ cháy xảy ra người bị thiệt hại, nguy hiểm đầu tiên là người dân. Vì vậy hiểu biết các quy định pháp luật về PCCC, đảm bảo an toàn về PCCC là trách nhiệm của mọi công dân.
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, doanh nghiệp
Vấn đề PCCC không chỉ áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh, mà đối với khu dân cư thì vấn đề đảm bảo an toàn về PCCC cũng cần phải được quan tâm nhiều hơn.
Về vấn đề này, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, có nhiều văn bản quy định phòng cháy đối với khu vực dân cư. Cụ thể quy định tại Điều 17 Luật PCCC; Điều 8 Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật PCCC và Luật PCCC sửa đổi; Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC… Điều 7 nghị định này cũng quy định điều kiện an toàn về PCCC đối với hộ gia đình…
Nghị định cũng quy định về trách nhiệm kiểm tra về an toàn PCCC tại khoản 3 điều 16 Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này hoặc vi phạm quy định an toàn về PCCC mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ…
Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC trong khu dân cư và ở mỗi gia đình đều được các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể, ngoài ra quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an toàn về PCCC.
Những quy định về đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC ở các hộ gia đình, các khu dân cư, những nhà ở có kết hợp kinh doanh không phải ai cũng biết và nhiều trường hợp có biết nhưng cũng không cần thủ dẫn đến nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra do ý thức của người dân và người thiệt hại đầu tiên là các hộ dân khi có hỏa hoạn xảy ra. Rất nhiều trường hợp xây dựng trái phép, lần chiếm hành lang an toàn, cơi nới, tạo ra chuồng cọp, lồng sắt để che chắn các khu thoát hiểm gây nguy hiểm cho con người khi cháy nổ xảy ra và cản trở hoạt động PCCC…
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để giảm thiểu những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì phải thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp, từ giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật đến giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phải kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh kết hợp với nhà ở, những ngành nghề kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao.
Với các khu dân cư, đặc biệt là các khu đông dân thì phải đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy tốt hơn, tuyên truyền phổ biến để người dân tuân thủ quy định pháp luật về PCCC. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc quản lý giám sát, đảm bảo các điều kiện về PCCC.
Bên cạnh đó, cần phải quy trách nhiệm, gắn trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC. Những hành vi vi phạm quy định về PCCC dẫn đến xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, đồng thời phải tuyên truyền để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Khi mọi người dân đều có hiểu biết, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn về PCCC và tuân thủ quy định pháp luật về PCCC.
“Ngoài ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về công tác quản lý đối với việc PCCC thì mới giảm thiểu được những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng giảm bớt những thiệt hại cho nhân dân” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-giam-bot-nhung-vu-hoa-hoan-thuong-tam.html