Làm gì để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh mới?

Ngày 24-8, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ: 'Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới'.

Dự và chủ trì hội thảo có GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và viện, trường trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

 Các đại biểu thảo luận tại hội thảo gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Hội thảo là dịp để tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam nói chung, giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đổi mới; đồng thời, góp phần cung cấp luận cứ cho việc hoàn thiện thể chế về giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới.

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, tại Đồng bằng sông Cửu Long, hệ giá trị gia đình truyền thống đang có biểu hiện xuống cấp do nhiều yếu tố tác động như: Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa; sự du nhập của giá trị văn hóa hiện đại; xuất hiện của internet, mạng xã hội, các thiết bị công nghệ cao; thay đổi về vai trò và vị trí của phụ nữ... Điều này đã làm giảm sự giao tiếp, tương tác và gắn kết trong gia đình, gây ra mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ. Theo các đại biểu, hệ giá trị gia đình bị xuống cấp, kéo theo hệ lụy gia tăng số vụ ly hôn, bạo lực gia đình, kết hôn muộn, nghiêm trọng hơn là sự trẻ hóa tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, mại dâm...

 Các đại biểu đề xuất giải pháp gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình.

Các đại biểu đề xuất giải pháp gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình.

Đề xuất các giải pháp gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình, theo các đại biểu cần thúc đẩy các hoạt động gắn kết gia đình như: Tổ chức các lễ hội, hoạt động thể dục thể thao gia đình; các buổi biểu diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống nhằm khơi gợi sự quan tâm và thúc đẩy gắn kết gia đình. Đối với giáo dục cần tăng cường lồng ghép hệ giá trị gia đình, lòng hiếu thảo, tôn trọng người lớn tuổi, giá trị đạo đức, tính cộng đồng và tinh thần đoàn kết vào chương trình học.

Từ góc độ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học công nghệ, phát triển xã hội, quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa... các tham luận và ý kiến thảo luận đã tập trung đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể nhằm giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới. Bên cạnh các giải pháp theo từng lĩnh vực, các giải pháp được đề xuất cũng tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, thiết chế và cơ chế nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan, ban ngành, địa phương và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các chủ thể trong giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Tin, ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/lam-gi-de-giu-gin-phat-trien-he-gia-tri-gia-dinh-viet-nam-trong-boi-canh-moi-790867