Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Mô hình công viên địa chất là 'chìa khóa' góp phần giải quyết thách thức toàn cầu
Sáng 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) tổ chức tại thành phố Cao Bằng.
Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức Hội nghị APGN-8 từ ngày 9-15/9. Buổi lễ khai mạc tổ chức vào sáng 12/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng.
Đại diện phía UNESCO có Trợ lý Tổng giám đốc về Khoa học tự nhiên Lidia Brito, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker, Chủ tịch Mạng lưới CVĐC toàn cầu Nickolas Zouros và nhiều thành viên, chuyên gia cao cấp thuộc Hội đồng và Ban điều hành của Mạng lưới CVĐC toàn cầu.
Về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và đại diện các cơ quan, đơn vị sở, ngành liên quan.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vui mừng chào đón các đại biểu trong nước và quốc tế tới vùng đất của núi non hùng vĩ - Cao Bằng; khẳng định việc Hội nghị vượt qua những trở ngại của bão lũ, thu hút đông đảo đại biểu tham dự là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, nỗ lực hợp tác của các thành viên thuộc Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ với người dân, lãnh đạo Cao Bằng và các địa phương Bắc Bộ về những mất mát, thiệt hại sau bão Yagi; đánh giá cao nỗ lực của tỉnh sớm khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống và sản xuất, tổ chức thành công Hội nghị quốc tế quan trọng.
Thế giới đang phải liên tục đối mặt với thảm họa thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu, gây ra nhiều thiệt hại cho đời sống của người dân và cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, CVĐC được đánh giá là mô hình tiềm năng, là “chìa khóa” góp phần giải quyết thách thức toàn cầu. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Hội nghị sẽ là nơi các đại biểu, thành viên Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO cùng chia sẻ kinh nghiệm, khơi mở sáng kiến và định hướng hợp tác trong tương lai.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Hội nghị APGN-8 cần ưu tiên thảo luận một số hướng hợp tác mới, cụ thể là: (i) Xác định cách tiếp cận tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị CVĐC vì phát triển bền vững; (ii) Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, khuyến nghị, chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững CVĐC toàn cầu; (iii) Thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển CVĐC toàn cầu gắn với phát triển bền vững; (iv) Thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5 năm, 10 năm cho Mạng lưới.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND Hoàng Xuân Ánh cho biết tỉnh Cao Bằng vinh dự khi được đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế APGN-8, qua đó cho thấy sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của CVĐC Non nước Cao Bằng vào các hoạt động của Mạng lưới, thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc phát huy danh hiệu hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Hoàng Xuân Ánh kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị cùng tập trung chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về xây dựng và phát triển CVĐC, chung tay tìm ra giải pháp cho những thách thức toàn cầu, đặc biệt là tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương trong hoạt động bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị CVĐC.
Tham dự Lễ khai mạc, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của tỉnh Cao Bằng, vững vàng vượt qua thiên tai, khắc phục khó khăn bảo đảm Hội nghị quốc tế diễn ra đúng kế hoạch.
Thứ trưởng đánh giá CVĐC toàn cầu là cơ hội phát triển tuyệt vời cho các địa phương theo mô hình “mở”, vừa bảo tồn di sản địa chất, văn hóa, các giá trị lịch sử, cảnh quan, vừa thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế bền vững. Tại Việt Nam, danh hiệu CVĐC toàn cầu giúp Cao Bằng và nhiều địa phương khác trong cả nước gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao giáo dục cho người dân và phát huy tốt vai trò của thanh niên, phụ nữ, người yếu thế, để họ vừa được thụ hưởng vừa tham gia vào việc quản lý, vận hành mô hình.
Về phía UNESCO, bà Lidia Brito, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên, gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ, nhân dân Việt Nam và đặc biệt gia đình các nạn nhân của cơn bão Yagi; đánh giá cao nỗ lực không ngừng của Ban tổ chức Hội nghị trong điều kiện khó khăn của bão, lũ. Bà Brito nhấn mạnh biến đổi khí hậu, hiểm họa thiên nhiên không bỏ qua bất cứ ai, vì vậy kêu gọi nỗ lực chung để bảo tồn di sản thiên nhiên, ứng phó với các thách thức toàn cầu thông qua phát triển giá trị CVĐC toàn cầu.
Thay mặt Mạng lưới CVĐC toàn cầu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, GS. Nickolas Zouros, Chủ tịch Mạng lưới và GS. Jin XiaoChi, Phó Chủ tịch, bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Chính phủ, nhân dân Việt Nam, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực tổ chức Hội nghị chu đáo và dành nhiều tình cảm nồng ấm cho các đại biểu tham dự.
Hội nghị là dịp để tăng cường hợp tác giao lưu, trao đổi về tri thức và kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ địa phương cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng lực ứng phó thách thức và xây dựng cộng đồng mang tính chất bao trùm - một cộng đồng trong đó các thành viên đều được hưởng lợi.
Ngay trước Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cắt băng khai mạc Không gian triển lãm và quảng bá CVĐC. Khu vực quy tụ 48 gian hàng, bao gồm gian hàng của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, giới thiệu vẻ đẹp, tiềm năng hợp tác quốc tế của mạng lưới CVĐC toàn cầu.
Đồng thời, không gian cũng bao gồm các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch, nét đẹp văn hóa và đặc sản vùng miền Việt Nam đến đông đảo đại biểu quốc tế và trong nước.
Từ 12-15/9, Hội nghị quốc tế APGN-8 liên tục tổ chức các phiên hội thảo chuyên đề với 6 chủ đề chính: (1) Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC; (2) Giảm thiểu rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với biến đổi khí hậu; (3) Điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản; (4) CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững; (5) Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC; (6) Khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC.
Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương bế mạc vào chiều ngày 15/9.