Làm gì để hàng Việt chinh phục thị trường châu Mỹ?
Châu Mỹ với hơn 1 tỷ dân là mảnh đất màu mỡ cho hàng Việt tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn chinh phục thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng chiến lược bài bản, tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tăng trưởng tích cực
Sau 4 năm thực hiện Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Châu Mỹ đã tăng trưởng tích cực, năm 2022 xuất khẩu sang châu Mỹ đạt 128,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2021.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, các thị trường mới của Việt Nam tại châu Mỹ như Mexico, Argentina, Brazil… tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, cụ thể Brazil tăng 6,6%, Mexico tăng 7,1%, Chile tăng 9% và Argentina tăng 8,3%…
Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 của Việt Nam sang Canada tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hảng có mức tăng trưởng kỷ lục như sản phẩm da giày tăng 88,9%, điện tử, điện thoại di động tăng 46,5%...
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng thông tin, trước khi có Hiệp định CPTPP, thị trường Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng hiện này, Canada đã chiếm 3,7%. Đặc biệt với mặt hàng cá tra hiện Mexico là thị trường nhập khẩu số 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
Phân tích nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang thị trường châu Mỹ tăng trưởng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin & Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia) Trần Toàn Thắng cho biết, nguyên nhân khiến cho tốc độ xuất khẩu sang châu Mỹ tăng cao là nhờ Hiệp định CPTPP đã tạo cơ hội cho hàng Việt thâm nhập thị trường này.
“Thị hiếu tiêu dùng của người dân ở Nam Mỹ - Trung Mỹ và Bắc Mỹ có sự khác nhau và chênh lệch lớn về kinh tế của các khu vực này. Trong khi các quốc gia Bắc Mỹ chuộng mua sắm, tiêu dùng hàng hóa đa dạng, từ loại cấp thấp tới cấp cao thì Trung và Nam Mỹ lại không yêu cầu quá cao về mẫu mã, mà coi trọng sự tiện dụng. Đó là cơ hội để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này và được người tiêu dùng ưa chuộng”-ông Thắng phân tích.
Đánh giá cao hàng Việt Nam, đại diện Tập đoàn Falabella (Chile), một trong những tập đoàn có mạng lưới phân phối lớn nhất khu vực châu Mỹ Latin khẳng định, hiện Falabella hy vọng có thể tìm kiếm được các nguồn cung hàng dệt may, giày dép và đồ thể thao từ Việt Nam cho kinh doanh trực tuyến. “Việc đặt một cơ sở sản xuất và văn phòng tìm kiếm nguồn cung ở Việt Nam là điều mà Falabella nhắm tới trong thời gian tới”, đại diện Tập đoàn Falabellacho hay.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Mỹ có những bước tăng trưởng tốt, nhưng thực tế cho thấy đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn là chủ yếu. Ngoài ra, hàng Việt xuất khẩu sang châu Mỹ chủ yếu là sản phẩm thô, sản phẩm đông lạnh... dẫn tới giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, để hàng hóa Việt Nam chinh phục được thị trường châu Mỹ, doanh nghiệp cần điều tra, khảo sát sức mua, thị hiếu và tiêu chuẩn kỹ thuật của thị. Từ đó xác định chính xác đích đến của sản phẩm Việt là thị trường nào, qua đó có những kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp
(Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ- Bộ Công thươngVõ Hồng Anh
Hơn nữa, khó khăn và trở ngại khi tiếp cận thị trường châu Mỹ là vị trí địa lý cách xa, khiến gia tăng chi phí, thời gian vận chuyển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống phân phối nước sở tại. Chưa kể đến việc doanh nghiệp Việt liên tục đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Đề cập tới những thách thức mới trong quá trình khai thác thị trường châu Mỹ, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, thời gian qua, Việt Nam tương đối có lợi thế khi khai thác thị trường này bởi các nước trong khu vực châu Á có sản phẩm hàng hóa tương tự của Việt Nam nhưng chưa có FTA với các nước Canada hay Mexico.
Song, từ tháng 8/2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Canada được khởi động, ngoài ra thời gian gần đây, một số nền kinh tế Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) bày tỏ quan tâm tới việc gia nhập CPTPP. “Nếu những thỏa thuận này được chấp nhận sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực này”-bà Trang nêu rõ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường này, dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày- túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân mong muốn cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển nguyên phụ liệu, đầu tư chuyển đổi số. Qua đó, đáp ứng cho phát triển bền vững, đồng thời giúp doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách sâu rộng và minh bạch hóa. "Bộ Công thương nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về cam kết, quy định của hiệp định CPTPP với từng ngành hàng, lĩnh vực cụ thể"- bà Xuân đề nghị .
Để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua thách thức trong quá trình khai thác thị trường châu Mỹ thông qua thực thi CPTPP, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công thương) Võ Hồng Anh cho biết, thời gian tới cơ quan chức năng cùng hệ thống các thương vụ sẽ đẩy mạnh thông tin về chính sách xuất nhập khẩu và thị hiếu tiêu dùng tại các nước châu Mỹ tới doanh nghiệp Việt Nam. Khuyến khích và hỗ trợ trao đổi các đoàn thương mại, tổ chức các hội nghị hội thảo về kinh doanh, giới thiệu và hỗ trợ thiết lập quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai bên.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lam-gi-de-hang-viet-chinh-phuc-thi-truong-chau-my.html