Làm gì để HTX, doanh nghiệp góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa?

Rác thải nhựa đang là một trong những thách thức làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường. Làm sao để hạn chế được việc sử dụng rác thải đi đôi với gia tăng tái chế rác thải nhựa, hạn chế tình trạng nhập khẩu nguyên liệu nhựa trong thời gian qua đang là câu hỏi được nhiều HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường quan tâm.

HTX Dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang) là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh phân loại rác để xử lý. Hiện nay HTX cũng mới chỉ phân loại, tái chế được rác thải nhựa là các chai nhựa, hộp nhựa, còn đối với túi nilon thì HTX mới chỉ tái chế được 1 phần.

Những con số biết nói

Ông Nguyễn Hữu Hoạch, Giám đốc HTX cho biết, từ tháng 6-2021 đến nay, chỉ riêng đối với rác thải nhựa là các loại chai lọ, hộp nhựa HTX phân loại, thu gom và xử lý 8 tấn/ngày, một con số kỷ lục chưa từng có ở những năm về trước. Lượng rác thải nhựa này đã vượt công suất chế biến, HTX đã phải đầu tư thêm 2 dây chuyền nữa mới có thể tái chế lại lượng rác gia tăng như hiện nay.

"Dù chuyên thu gom, phân loại tái chế rác thải nhựa nhưng thực tế HTX luôn phải tính toán làm sao để có thể duy trì tồn kho nguyên liệu lớn nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn”, ông Hoạch nói.

Rác thải nhựa một lần đang gia tăng áp lực lên môi trường.

Rác thải nhựa một lần đang gia tăng áp lực lên môi trường.

Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng, chuyên thực hiện tái chế nhựa cho biết nếu phải nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu đầu vào, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu sản phẩm nhựa vì không tận dụng được ưu đãi thuế do những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Theo Hiệp Hội tái chế rác thải Việt Nam, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được đưa ra môi trường. Trung bình mỗi gia đình dùng 1kg túi nilon/tháng nhưng 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

Khó khăn được nhân lên khi hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 khiến nhiều người hạn chế ra đường, thay vào đó dịch vụ giao nhận thức ăn nhanh làm việc hết công suất khiến lượng rác thải nhựa tiếp tục gia tăng và tác động tiêu cực đến môi trường.

Các nghiên cứu đều cho thấy, rác thải nhựa thường được sử dụng trong thời gian ngắn nhưng phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Ngay cả khi phân hủy, loại rác thải này tiếp tục gây hại cho môi trường, sức khỏe, sinh vật khác bởi chứa nhiều hóa chất độc hại.

Theo thống kê, hiện nay chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông ở nước ta được xử lý, tái chế đúng quy trình, số còn lại chủ yếu là xử lý theo hình thức chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.

Lượng rác thải nhựa lớn không được tái chế, tận dụng nên mới xảy ra tình trạng ngành nhựa Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Theo tính toán của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), mỗi năm ngành nhựa cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu nhựa đầu vào chưa kể hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác nhau, trong khi khả năng trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 1 triệu tấn nguyên liệu cho nhu cầu của ngành nhựa Việt Nam.

Đặc biệt do thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh trong khi công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển khiến vòng luẩn quẩn thiếu nguyên liệu, thừa chất thải nhựa xảy ra nhiều năm qua.

Cần giải pháp đồng bộ

Đặc biệt nguyên liệu nhập khẩu thường biến động cùng với sự thay đổi của giá dầu. Nhất là hiện nay, xung đột Nga- Ukraine khiến giá dầu tăng bất thường và khó dự báo, tạo nên những rủi ro về chi phí đầu vào và lỗ do chênh lệch tỷ giá USD/VND. Điều này khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.

Muốn biến rác thải nhựa thành tài nguyên, không phát sinh thêm những hệ lụy đối với môi trường và gia tăng nguồn đầu vào cho tái chế thì việc quan trọng nhất là phải phân loại được rác thải tại nguồn, loại bỏ những tạp chất tồn đọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, môi trường sống, nâng cao hiệu quả của các biện pháp xử lý.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề phân loại tại nguồn ở nước ta mới chỉ dừng ở việc thí điểm tại một vài địa phương trong khi việc tập huấn, nâng cao nhận thức, hỗ trợ cho người dân còn hạn chế.

Đặc biệt hiện nay, Chính phủ đã có các chính sách về thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các chính sách mới chỉ mới tập trung vào phân loại một số chất thải rắn tại nguồn còn các quy định cụ thể về việc thực hiện các biện pháp xử lý rác thải nhựa đã bị thoát ra môi trường thì lại chưa có.

Hay việc kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong sản phẩm, hàng hóa đã bắt đầu được đề cập chung trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Khoản 7 Điều 73) và một số văn bản chính sách của Chính phủ (Chỉ thị 33/CT-TTg và Quyết định 1746/QĐ-TTg) và của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quyết định 2395/QĐ-BTNMT). Thế nhưng, việc triển khai các quy định trên vào thực tế còn nhiều vướng mắc, bất cập vì quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể nên những đơn vị xử lý, tái chế rác thải khó áp dụng.

Chẳng hạn như hiện nay vẫn chưa có các quy định pháp luật chi tiết, cụ thể về quản lý chất thải vi nhựa. Chưa có các nghiên cứu chuyên sâu và quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát vi nhựa trong các sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa,… Chính vì vậy mà việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa thời gian qua vẫn còn còn hạn chế.

Theo các chuyên gia, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, các chính sách pháp luật cần chặt chẽ hơn trong việc quản lý từng loại chất thải, đặc biệt là loại rác thải nhựa sử dụng một lần.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp thực hiện phân loại rác mang tính bao trùm, đồng thời hướng dẫn cụ thể về công tác phân loại, lưu trữ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tái chế.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM cho rằng cần có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên của quy trình sản xuất mới.

Hiện nay công tác thu gom rác thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết, trạm trung chuyển chủ yếu do cá nhân, hộ gia đình, HTX môi trường đảm nhận. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là các chủ thể này nguồn vốn còn hạn chế nên yêu cầu chuẩn hóa phương tiện cần phải có thời gian. Trong khi phí thu gom rác thải từ các hộ dân thời gian qua rất thấp, thậm chí không thay đổi, từ đó không khuyến khích cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải tái đầu tư phương tiện hiện đại.

Các chuyên gia cho rằng phí thu gom chất thải hộ gia đình nên được điều chỉnh, có thể theo năm hoặc 3-5 năm/lần dựa trên cơ sở giá trần và một phần thỏa thuận với các hộ gia đình.

Nhiều HTX, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường cho rằng, họ sẵn sàng đầu tư để cùng chung tay giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thu hút đầu tư, các cơ quan chức năng cần ban hành mức phí, hình thức thu linh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thu gom chuyển đổi hoàn toàn sang phương tiện chuyên dụng, đồng thời tổ chức lại việc thu gom rác trong khu dân cư theo hướng phân loại rác tại nguồn.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lam-gi-de-htx-doanh-nghiep-gop-phan-giam-o-nhiem-rac-thai-nhua-1084465.html