Làm gì để khai thác 'mỏ vàng' du lịch?
Ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023 và vượt các mục tiêu đề ra song vẫn chưa chạm đích 'thành công rực rỡ'. Để khai thác hiệu quả 'mỏ vàng' du lịch trong thời gian tới, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cần tập trung vào các chính sách thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế.
Giám đốc Công ty CP Việt Đà (VietDa Travel) Đinh Văn Lộc:
Có thể đón 14 - 15 triệu lượt khách quốc tế
Năm 2023, chúng ta đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Tính đến hết tháng 11.2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 11,2 triệu lượt và khách nội địa ước đạt 103,2 triệu lượt; tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt 628.300 tỷ đồng. Dự kiến cả năm sẽ đón 12,5 - 13 triệu lượt khách quốc tế. Với những kết quả tích cực đó, năm 2024 dự kiến đón 14 - 15 triệu lượt khách quốc tế.
Tuy nhiên, nếu so với các nước khác trong khu vực, điển hình như Thái Lan, thì chúng ta vẫn cần rất nhiều nỗ lực. Năm nay, Việt Nam đón rất nhiều khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, nhưng cũng phải tính đến việc mở rộng thị trường để không bị rơi vào thế bị động nếu thị trường đó gặp trục trặc. Cùng với đó, cần làm rõ nguyên nhân và có lời giải hữu hiệu cho tình trạng vắng khách ở các địa điểm du lịch trọng điểm như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc; phải chăng chúng ta chưa có các sản phẩm du lịch đủ đa dạng?
Để khai thác được mỏ vàng từ ngành du lịch, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, đầu tiên cần tập trung vào các chính sách thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế. Cụ thể, cần phát triển kinh tế ban đêm nhằm gia tăng chi tiêu của khách, khai thác tối đa và bền vững những nguồn lợi mà ngành du lịch có thể mang lại; mở rộng khung hoạt động ban đêm tới 2 - 3 giờ sáng để du khách có thể trải nghiệm. Đối với những thành phố trọng điểm về du lịch thì phải có chính sách mở rộng thêm phố đi bộ, chợ đêm, tuyến phố ẩm thực; đa dạng các hoạt động du lịch trong nhà…
Hiện nay, dòng khách MICE (du lịch kết hơp hội nghị, hội thảo) chiếm khoảng 15 - 20% tổng lượng khách và có thời điểm lên đến 60% đối với một số đơn vị du lịch lớn trong giai đoạn cao điểm; có khoảng 20% khách MICE đến từ thị trường châu Âu (EU), đây chính là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu lớn, từ 700 - 1.000 USD/ngày; trong khi đó, dòng khách MICE đến từ thị trường châu Á chi tiêu khoảng 400 USD/ngày.
Năm 2024, MICE được xác định sẽ là xu hướng, do đó cũng cần khuyến khích loại hình này, nếu làm tốt cũng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngành. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến điểm đến, xây dựng thương hiệu cho du lịch Việt. Phía doanh nghiệp cũng cần thay đổi, làm mới các sản phẩm du lịch, chuẩn bị chu đáo cho các dịp lễ hội… để thu hút khách.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam NGUYỄN SƠN THỦY:
Quan tâm hơn đến du lịch MICE
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế đất nước, bởi không chỉ giải quyết việc làm cho người lao động, du lịch còn mang tính chất đa ngành, thúc đẩy các ngành khác tham gia vào chuỗi cung cấp dịch vụ cho du khách.
Năm 2023, mọi chỉ tiêu ngành du lịch đều vượt và đây sẽ là tiền đề để ngành phát triển trong năm 2024 với mục tiêu khôi phục lại như trước dịch Covid-19 (2019); tuy nhiên, mục tiêu này không hề đơn giản!
Thực tế, ngành du lịch nước ta mới chỉ hồi phục được 60 - 65%, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chưa sẵn sàng quay trở lại phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ngành cũng chưa phát huy được hết các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp khác cộng sinh, bổ trợ cho công nghiệp du lịch. Do đó, để phát triển du lịch, cần tập trung khắc phục những điểm nghẽn này và đòi hỏi nỗ lực từ các bên liên quan.
Về phía ngành, phải tận dụng tốt hơn các thế mạnh văn hóa, ẩm thực cũng như bổ sung loại hình vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm; quan tâm đến các hình thức du lịch mới như du lịch nông nghiệp, du lịch MICE; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo tiện ích thuận lợi nhất cho du khách.
Về phía Chính phủ, cần có chính sách về dòng vốn, dòng tiền, hỗ trợ về lãi suất, lãi vay cho các doanh nghiệp du lịch, tác động đến sản xuất du lịch nhiều hơn, kích cầu du lịch nội địa, thu hút khách du lịch quốc tế. Các chính sách đó cần triển khai đồng bộ, xuyên suốt.
Hiện, danh sách đầu tư kết cấu hạ tầng cho du lịch còn yếu, du lịch chủ yếu ăn theo hạ tầng của những ngành khác; do đó, cần có sự quan tâm cụ thể, rốt ráo hơn nữa về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, có các chương trình hành động quyết liệt hơn.
Ngoài ra, nhân sự ngành đang bị phân tán, thiếu hụt cả lao động có kỹ năng tay nghề đến chất lượng cao, nên cũng rất cần có sự quan tâm thỏa đáng, đào tạo và được đào tạo lại trong thời gian tới. Nếu có sự quan tâm thỏa đáng, ngành du lịch chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế không chỉ trong năm 2024 mà còn cả những năm tiếp theo.
PGS.TS. Phạm Trung Lương, chuyên gia du lịch:
Tập trung vào chính sách visa, kết cấu hạ tầng và nhân lực
Du lịch đang không ngừng phát triển và đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của đất nước. Sự phát triển của du lịch hỗ trợ cho rất nhiều ngành như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ... Về mặt xã hội, ngành cũng giúp tạo cơ hội việc làm lớn cho người lao động, cân bằng lại sự phân bố dân cư, hạ tầng từ đô thị về nông thôn; tại nhiều địa phương, du lịch đóng góp vào GRDP trên 10%.
Năm 2023 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch với lượng khách bùng nổ, đặc biệt là khách quốc tế. Cùng với đó là sự hồi sinh của các công ty du lịch, khách sạn. Bước sang năm 2024, kỳ vọng vào sự phục hồi và bứt phá của ngành khi một số chính sách được áp dụng như mở cửa visa, nhiều chương trình hỗ trợ phục hồi du lịch; song, để phục hồi hoàn toàn vào năm nay là rất thách thức, bởi ngành vẫn còn nhiều khó khăn.
Để ngành du lịch thực sự là động lực của nền kinh tế cần nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung trước tiên cho 3 chính sách gồm visa, hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực. Chúng ta phải biến lời nói thành chính sách, hành động phải bắt đầu từ chính sách.
Về chính sách mở cửa visa, trong năm 2023 đón khách quốc tế đã vượt mục tiêu 8 triệu lượt. Có lẽ nên đặt vấn đề là nếu chính sách cởi mở hơn thì con số này liệu có đột phá hơn? Hiện nay, Thái Lan đã làm rất tốt về chính sách visa - khuyến khích dòng khách Ấn Độ, Trung Quốc đến không cần visa trong một giai đoạn nào đó; do vậy, Việt Nam cũng cần lưu ý tới chính sách này hơn trong năm nay.
Với tư cách là ngành kinh tế xanh, du lịch cũng cần được đầu tư từ Nhà nước. Thực tế, ngành đã được đầu tư nhưng vẫn chưa thực sự tương xứng. Vì thế, cần đầu tư nhiều hơn cho ngành, bởi một đồng đầu tư của Nhà nước có thể kéo theo hàng chục đồng đầu tư của tư nhân.
Chung quy lại, mọi thứ đều bắt đầu tư con người; thời điểm này, ngành rất cần có học viện về du lịch để nghiên cứu cũng như đào tạo. Chúng ta phải rút ngắn khoảng cách từ nhận thức đến hành động thì mới hy vọng phát triển ngành du lịch bài bản.