Làm gì để không bị đánh gậy bản quyền trên Youtube?
Mới đây, nhạc sĩ Giáng Son đã bị nhận thông báo khiếu nại từ YouTube liên quan đến bản quyền ca khúc do chính cô sáng tác.
Giáng Son và nhiều nghệ sĩ khác đã bày tỏ bức xúc khi ca khúc mình sáng tác bị đánh gậy bản quyền, bởi một đơn vị truyền thông là BH Media đã xác nhận quyền chủ sở hữu video trên YouTube. Tiếp đến khi VTV cho biết video Quốc tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát sóng trên kênh VTV1 hay Quốc ca cũng bị BH Media nhận quyền sở hữu trên YouTube.
Không sở hữu bản quyền ca khúc, video nhưng BH Media lại là đơn vị đầu tiên gắn Content ID vào sản phẩm trên Youtube. Việc này khiến nhiều cá nhân chủ sở hữu lại trở thành những người vi phạm bản quyền khi đăng tải nội dung của mình trên YouTube.
Với những người làm nội dung trên YouTube, Content ID rất quen thuộc và dùng đánh dấu bản quyền. Đây là hệ thống kỹ thuật được sử dụng xác định tính hợp pháp của nội dung mà người dùng đăng tải trên YouTube.
Content ID sử dụng công nghệ để có thể xác nhận được hình ảnh, âm thanh và so sánh những nội dung mà chủ sở hữu đăng ký với nội dung được đăng tải. Nếu trùng khớp, video này sẽ bị đánh bản quyền. Các nhà sản xuất có thể theo dõi và lựa chọn chặn, gỡ bỏ hoặc lấy doanh thu từ quảng cáo của video vi phạm. Đây được xem là phương pháp phát hiện video vi phạm bản quyền hiệu quả trên YouTube. Do đó, chủ sở hữu cần xác nhận quyền sở hữu tác phẩm trên YouTube qua Content ID.
Chủ sở hữu bản quyền có thể sử dụng Content ID để xác định và quản lý nội dung của họ trên YouTube. Các video tải lên YouTube được quét đối chiếu với cơ sở dữ liệu tệp mà chủ sở hữu nội dung gửi cho hệ thống.
Khi người dùng đăng tải một video chứa nội dung được bảo vệ bản quyền, nó có thể phải nhận thông báo xác nhận quyền sở hữu qua Content ID. Các thông báo được tạo tự động khi video tải lên trùng khớp với một video khác (hay một phần của video khác) trong hệ thống Content ID của YouTube.
Chủ sở hữu bản quyền có thể áp dụng một biện pháp xử lý khi nội dung trong một video trên YouTube trùng khớp với tác phẩm mà họ sở hữu. Khi hệ thống tìm được video có nội dung trùng khớp, video đó sẽ nhận được thông báo xác nhận quyền sở hữu qua Content ID.
Nếu phát hiện video trùng khớp, chủ sở hữu bản quyền có thể lựa chọn thiết lập Content ID để chặn các video tải lên trùng khớp với tác phẩm mà họ có quyền sở hữu; cho phép nội dung đã được xác nhận quyền sở hữu tiếp tục hoạt động trên YouTube để chạy quảng cáo. Trong trường hợp này, doanh thu quảng cáo thuộc về các chủ sở hữu bản quyền của nội dung đã được xác nhận quyền sở hữu.
Muốn đăng ký Content ID, chủ tài khoản phải đăng ký tham gia các network (mạng lưới đa kênh) bảo vệ content. Đây là cách đang được các nhà sáng tạo nội dung sử dụng nhiều nhất bởi các network đều có hệ thống Content ID phát triển mạnh, dành nhiều quyền lợi cho người dùng.