Làm gì để khống chế bệnh dại?
Mặc dù UBND tỉnh Bình Thuận có nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống bệnh dại, nhưng bệnh dại trên người gây tử vong vẫn gia tăng, chưa được kiểm soát và khống chế.
6 ca tử vong do dại
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 32 ca tử vong do bệnh dại tại 18 tỉnh, thành phố, tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2023. Tại Bình Thuận ghi nhận 6 trường hợp tử vong do bệnh dại; tính bình quân 1,5 ca tử vong do bệnh dại mỗi tháng. Trong đó huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và thị xã La Gi mỗi địa phương xảy ra 2 ca tử vong. Điều này cho thấy số người tử vong do bệnh dại tại tỉnh liên tục tăng. Thông thường, mùa hè là thời gian cao điểm ghi nhận số ca bệnh dại. Song, sự gia tăng như được đề cập trên từ đầu năm 2024 đến nay sớm hơn so với thông thường là tiếng chuông báo động.
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tỷ lệ quản lý và tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo chưa được thống kê đầy đủ. Bởi kinh phí tiêm phòng cho đàn chó, mèo người dân tự chi trả. Các hoạt động của thú y tại địa phương đều hoạt động kiêm nhiệm nên không có chuyên trách thú y phụ trách. Ca tử vong do bệnh dại xảy ra ở các địa phương là do tình hình nuôi chó thả rông nhiều, chưa được tiêm phòng dại trên động vật nuôi. Vì vậy, nguy cơ mắc bệnh dại trên người tại các địa phương gia tăng. Thêm vào đó, người dân còn chủ quan, lơ là khi bị chó cắn không xử lý vết thương và tiêm vắc xin phòng dại. 100% những người tử vong do dại chưa được tiêm ngừa vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Theo Bộ Y tế, thời gian ủ bệnh dại ở người phụ thuộc vào tình trạng vết cắn nặng hay nhẹ, và khoảng cách từ vết cắn đến dây thần kinh trung ương. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn, cào đã không tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại.
Chưa kiểm soát bệnh dại
Theo bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, trước tình hình gia tăng bệnh dại trên người, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 349 ngày 29/1/2024 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại; Công văn số 1371 ngày 16/4/2024 về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống hiệu quả bệnh dại. Tuy nhiên, thông qua sự theo dõi của ngành y tế tỉnh, tình hình bệnh dại tại tỉnh vẫn chưa được kiểm soát và khống chế.
Bác sĩ Hồng đề nghị nhanh chóng kiểm soát bệnh dại theo mục tiêu đã đề ra. Trong đó, tiêm phòng vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống bệnh dại trên động vật tại các địa phương. Từng địa bàn cấp xã xử lý triệt để tình trạng chó thả rông; yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Khi bị chó, mèo cào cắn… người dân phải đi tiêm vắc xin phòng dại ngay.
Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên chó, mèo nuôi tại Bình Thuận khoảng 40% tổng số đàn. Trong khi đó, quy định tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo phải đạt 70% tổng đàn. Để nhanh chóng kiểm soát bệnh dại, tăng tỷ lệ tiêm vắc xin dại trên động vật nuôi, thiết nghĩ, công tác phòng, chống bệnh dại cần sự chung tay tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội. Bằng cách đưa chỉ tiêu tiêm phòng dại trên động vật nuôi vào chỉ tiêu thi đua, đánh giá ở từng cấp, từng địa phương, từng khu phố.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lam-gi-de-khong-che-benh-dai-118564.html