Làm gì để không tái phát đột quỵ?

Nguy cơ tái phát đột quỵ ngoài điều trị trong 5 năm là 25%. Việc điều trị dự phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ lên tới 80%.

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Đỗ Hằng

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Đỗ Hằng

Chiều 6-8, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân với chủ đề “Nguy cơ đột quỵ tái phát và dự phòng”.

Trung bình một ngày, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 50-60 ca đột quỵ nặng từ các tuyến chuyển lên, trong đó có nhiều bệnh nhân tái phát.

Điển hình như nữ bệnh nhân (70 tuổi ở Cao Bằng) bị tái phát đột quỵ nhồi máu não. Trước đó, bệnh nhân này từng bị đột quỵ và phải duy trì thuốc trong 6 tháng sau khi xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tự ý dừng thuốc. Ở lần tái phát, bệnh nhân bị tổn thương diện rộng bán cầu não trái và di chứng tàn phế.

Tương tự, nam bệnh nhân (60 tuổi ở Hà Nội) bị đột quỵ chảy máu não tái phát. Ở lần đột quỵ thứ nhất, bệnh nhân được chỉ định duy trì thuốc trong 12 tháng. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tự ý dừng thuốc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu và đối diện với nguy cơ tử vong.

Thạc sĩ - bác sĩ Phùng Đình Thọ, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nguy cơ tái phát đột quỵ ngoài điều trị trong 5 năm là 25%; trong đó chủ yếu tái phát ở giai đoạn sớm 10% trong tuần đầu, 15% trong 1 tháng và 18% trong 3 tháng. Việc điều trị dự phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ lên tới 80%.

Sau cơn đột quỵ, não bị tàn phá, khiến con người có thể già thêm tương đương với quá trình lão hóa tự nhiên 37 năm. Thậm chí, ở những lần đột quỵ sau chắc chắn nặng hơn lần trước. Khi đột quỵ tái phát còn khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong.

“Đột quỵ não tái phát gây hậu quả rất nặng nề, cụ thể là khiến tổn thương nhu mô não nặng hơn, kèm theo các di chứng nghiêm trọng như: Tàn phế, rối loạn ngôn ngữ, gặp các vấn đề về thị giác, trầm cảm, đối mặt với nguy cơ tử vong và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Phùng Đình Thọ nói.

Theo chuyên gia này, bệnh nhân đột quỵ sau khi được điều trị ổn định đều được dặn rất kỹ về việc uống thuốc phòng ngừa tái phát và tuân thủ tái khám đúng lịch. Tuy nhiên, không ít người chủ quan với sức khỏe, bỏ qua đi khám, quên uống thuốc. Đa phần bệnh nhân tái phát đột quỵ đều do tự ý bỏ thuốc điều trị.

Do đó, bác sĩ Phùng Đình Thọ khuyến cáo, người từng bị đột quỵ phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, người bệnh cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ, gồm: Kiểm soát huyết áp, đái tháo đường, giảm mỡ máu, ngừng hút thuốc lá; tuân thủ sử dụng thuốc điều trị và tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.

Bên cạnh đó, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học. Tập thể dục đều đặn, tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế các loại thực phẩm nhiều muối; tránh uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích, thực phẩm giàu chất béo, các loại đồ ngọt…

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lam-gi-de-khong-tai-phat-dot-quy-674043.html