Làm gì để lao động nữ tự do 'mặn mà' với bảo hiểm xã hội?

Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một trong 14 điểm mới trọng tâm của Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Đây là động thái tích cực của Nhà nước để thu hút lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, qua đó tăng cường an sinh xã hội.

Ở Việt Nam, trong nhóm lao động nữ, lao động phi chính thức chiếm tới 65%. (Ảnh minh họa - Nguồn: TVPL)

Ở Việt Nam, trong nhóm lao động nữ, lao động phi chính thức chiếm tới 65%. (Ảnh minh họa - Nguồn: TVPL)

Giúp lao động phi chính thức không đối mặt với nguy cơ nghèo đói khi sinh con

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật gồm 11 chương, 141 điều với nhiều điểm mới. Tại cuộc họp báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào cuối tháng 7/2024, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, một trong 14 điểm mới trọng tâm của Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Cụ thể, khảo sát, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp.

Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số. Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng có nội dung: BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác. Do đó, Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2021, ở Việt Nam, trong nhóm lao động nữ, lao động phi chính thức chiếm tới 65%. Vì không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng BHXH, BHYT, nên họ không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác, bao gồm cả hỗ trợ thai sản. Do đó, lao động phi chính thức đối mặt với nguy cơ nghèo đói khi sinh con vì công việc của họ không được bảo đảm duy trì sau khi nghỉ việc. Họ cũng không được bảo đảm an toàn kinh tế cơ bản trong một vài tháng đầu sau kỳ sinh sản. Ước tính của Chương trình Alive & Thrive (là một sáng kiến do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ hướng tới mục tiêu cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ) cho biết, tại Việt Nam, cứ 2 trẻ sinh ra thì 1 trẻ có mẹ chưa được hưởng chế độ thai sản, do phần lớn lao động nữ hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức chưa là đối tượng của chính sách này.

Vì thế, có thể nói quy định tại Luật BHXH (sửa đổi) là động thái tích cực của Nhà nước để khuyến khích người dân mua BHXH tự nguyện như một giải pháp tăng cường an sinh xã hội và thu hút nhóm lao động nữ, lao động phi chính thức khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện để họ được bảo đảm an toàn kinh tế cơ bản trong thời kỳ sinh sản.

2 triệu đồng trợ cấp cho mỗi con được sinh ra, có thấp?

Theo quy định tại Luật BHXH (sửa đổi), lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Mức trợ cấp này được đánh giá là thấp so với thực tiễn đời sống hiện nay.

Trước đó, trong quá trình xây dựng, góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức trợ cấp này còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con và cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện. Trao đổi với truyền thông ở giai đoạn góp ý dự thảo Luật, bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nêu quan điểm: “Mức 2 triệu đồng cho một trẻ được sinh ra không thấm gì so với chi phí để nuôi một trẻ trong thời buổi giá cả đắt đỏ như hiện nay”.

Theo ước tính của Chương trình Alive & Thrive, với chính sách này (trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra với lao động tham gia BHXH tự nguyện), mỗi năm có khoảng 32.690 đối tượng hưởng lợi và mỗi năm ngân sách nhà nước cần chi 65 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng, góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chương trình Alive & Thrive cũng đã từng đề xuất con số nên tăng mức trợ cấp thai sản 1 lần lên mức tối thiểu 3,6 triệu đồng cho một trẻ, tương đương mức đang được đề xuất áp dụng với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo phương án này, mỗi năm ngân sách nhà nước cần chi 113 tỷ đồng và dự kiến lên tới mức 565 tỷ đồng khi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng lên, đạt mục tiêu 5% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đến năm 2030 như Nghị quyết 28/NQ-TW đề ra.

Thực tế hiện nay cho thấy, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số diễn ra rất nhanh. Theo thống kê, phụ nữ chiếm đa số với 60% dân số ở nhóm người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ đóng BHXH ở phụ nữ vào khoảng 31,3% năm 2019. Xu hướng ngừng tham gia BHXH ở nữ giới cũng diễn ra nhanh hơn nam giới. Do đó, việc xây dựng một chính sách an sinh xã hội phù hợp để thu hút lao động nữ tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng là rất cần thiết.

Luật BHXH (sửa đổi) có quy định Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có sự điều chỉnh phù hợp cho chế độ thai sản ở khu vực BHXH tự nguyện, để nhóm lao động nữ, lao động phi chính thức có được sự yên tâm khi làm cha mẹ.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lam-gi-de-lao-dong-nu-tu-do-man-ma-voi-bao-hiem-xa-hoi-post520727.html