Làm gì để ngăn ngừa người tâm thần gây hậu quả đau lòng?
Trước tình trạng người tâm thần gây ra một số vụ gây thương tích hoặc án mạng nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng, những sự việc đau lòng này có một phần nguyên nhân từ sự vô cảm, lơ là của không một số người 'tỉnh táo'.
Thương tâm những vụ án do người tâm thần gây ra
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt… Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiểm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế, phần lớn bệnh nhân tâm thần được điều trị tại cộng đồng nhưng không phải người bệnh nào cũng được gia đình quan tâm, chăm sóc. Nhiều người bệnh tâm thần không được khám và chữa trị dứt điểm nên bệnh nặng, không kiểm soát được hành vi, dẫn đến những hệ lụy đau lòng, là nỗi lo của toàn xã hội.
Cụ thể, ngày 12/5, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cơ quan chức năng đã tạm giữ anh N.N.N (SN 1968, trú tại thôn Lâm Bình, xã Sơn Lâm), được xác định là hung thủ dùng dao sát hại anh N.Đ.S. (SN 1985, trú tại xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) khi đang ở nhà mẹ ruột tại thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định anh N. bị mắc bệnh tâm thần và không biết chữ.
Cũng trên địa bàn huyện Hương Sơn ngày 26/3/2022 đã xảy ra vụ án đau lòng mà nạn nhân là bà L.T.H. (SN 1958) đã tử vong tại nhà riêng với nhiều vết chém trên cơ thể. Hung thủ được cơ quan chức năng xác định là chị P.T.H (SN 1979- con gái ruột của nạn nhân). H. mắc bệnh tâm thần, lấy chồng về xã Sơn Trà và đã có 4 người con. Tuy nhiên, thời gian gần đây H. về sống với mẹ đẻ và gây ra vụ án mạng đau lòng.
Hay tại TP Hà Nội, nhiều người dân cũng chưa hết bàng hoàng bởi vụ án mạng khiến nữ công nhân môi trường tử vong. Nghi phạm gây ra cái chết của nữ công nhân được xác định là L.N.T (SN 1991, phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Kết quả điều tra bước đầu xác định T. là đối tượng không nghề nghiệp, có tiền sử bệnh tâm thần. Ngoài những vụ án trên, ở nhiều nơi khác, những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra cũng không phải hiếm.
Trách nhiệm hình sự, dân sự thế nào?
Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho biết, người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật hiện nay quy định, người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS).
Tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực TNHS nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu TNHS.
Để truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực TNHS của người đó. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực TNHS thì không phải chịu TNHS: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu TNHS”. (Điều 21 BLHS).
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi đó.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận người thực hiện hành vi nguy hiểm chỉ bị “hạn chế năng lực hành vi” thì vẫn có thể bị truy cứu TNHS.
Trong trường hợp có kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì người này sẽ được miễn truy cứu TNHS. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp), tức là vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.
Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, và thường chỉ có gia đình tự quản lý. Trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời người tâm thần phát bệnh và thực hiện hành vi vi nguy hiểm cho xã hội thì rất dễ dẫn đến những vụ việc đau lòng.
Ngăn chặn tình trạng “giả tâm thần” để thoát tội
Cũng theo Luật sư Lê Hiếu, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng quy định người mắc bệnh tâm thần không phải chịu TNHS để thoát vòng lao lý khi tạo ra các giấy tờ để “giả tâm thần”.
Điều 382 BLHS 2015 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Điều 359 BLHS 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 1-5 năm... Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm.
Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ (Điều 354) người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364). Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356).
Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả thì có thể họ sẽ bị xem xét xử lý tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341).
Giải pháp nào để phòng ngừa hành vi nguy hiểm của người tâm thần
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trước thực trạng đang diễn ra, muốn ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi nguy hiểm do người mắc bệnh tâm thần thực hiện thì cần sự tham gia, vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành.
Theo đó, đối với các gia đình có người bị bệnh, không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương. Gia đình của người có dấu hiệu tâm thần cần giám sát và tận tâm, chia sẻ và có giải pháp phòng ngừa từ xa ( đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thơìl cử người giám sát…).
Đối với chính quyền địa phương, cần rà soát, nắm danh sách các trường hợp mắc bệnh tâm thần tại địa phương, đưa hoặc đề xuất, hướng dẫn đưa người bệnh vào điều trị tại các cơ sở chữa bệnh. Phối hợp tổ chức tập huấn cho những người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với người bệnh kỹ năng quản lý, chăm sóc, phòng ngừa những tình huống nguy hiểm. Quan tâm, giúp đỡ các hộ gia đình bệnh nhân khó khăn trong chữa bệnh, hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, cần phối hợp, hướng dẫn gia đình đưa bệnh nhân đến những cơ sở điều trị để họ được điều trị đúng cách.
Cùng với đó, các cơ quan, đoàn thể khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình nêu cao trách nhiệm cùng với toàn xã hội tham gia công tác quản lý, phòng ngừa đối tượng bị tâm thần, tổ chức tuyên truyền sâu rộng về các hành vi, các nguy cơ có thể do các đối tượng tâm thần gây ra để mọi người dân cùng biết và chủ động cảnh giác, phòng ngừa.
Cùng với đó, cần có sự phối hợp với gia đình người bệnh, siết chặt quản lý, có giải pháp cách ly đối tượng bị tâm thần một cách hợp lý, không để họ tiếp xúc với các vật dụng, các loại công cụ, vũ khí nguy hiểm, hạn chế thấp nhất điều kiện, khả năng gây án để tránh những hậu quả đau lòng có thể xảy ra.
Thế nào là “Mất năng lực hành vi dân sự”?
Luật sư Lê Hiếu cho biết, Điều 19 BLDS năm 2015 quy định “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Cũng theo BLDS 2015 (Điều 22): “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”. Như vậy, một người chỉ được xác định là mất năng lực hành vi dân sự sau khi có quyết định của tòa án tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự.