Làm gì để người tiêu dùng bớt lo tăng giá và lạm phát ?
Trong lúc giá xăng dầu vẫn chưa thật sự 'hạ nhiệt' như mong đợi và giá cả leo thang như hiện nay, với người dân nếu ngày hôm sau tiền mua đồ ăn thức uống cao hơn ngày trước, tháng sau chi tiêu tốn kém hơn tháng trước là họ lo lắng. Và lạm phát đối với họ chỉ đơn giản là giá tăng hay giảm.
Ghi nhận của VnBusiness vào giờ cao điểm buổi chiều tối ngày chủ nhật hôm 27/3 tại đại siêu thị MM Mega Market Bình Phú ở quận 6 (Tp.HCM) thì thấy có lác đác một số mặt hàng giảm giá bán đến 20% (chỉ dành cho ngày nghỉ cuối tuần) nhưng những hàng hóa này vẫn chất đống trên kệ hàng trong sự hờ hững của người mua.
Mỗi ngày phải gánh nỗi lo giá tăng
Nguyên do, như chia sẻ của một nữ khách hàng tên Phương, có những mặt hàng thực phẩm thiết yếu mà người tiêu dùng cần thì lại không chịu giảm, trong khi có những mặt hàng không cần dùng nhiều thì lại giảm.
Theo chị Phương, khi đến các siêu thị lớn trong lúc này, điều mong mỏi là được mua những hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày với mức giá vừa túi tiền để giảm được phần nào chi phí. Bởi vì đây là thời điểm khó khăn vì thu nhập của người mua chưa cải thiện, trong khi mỗi ngày phải gánh nỗi lo giá tăng.
Bàn thêm về nỗi lo của người tiêu dùng giữa bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay, Ts. Phạm Công Hiệp (Đại học RMIT) cho rằng với người dân nếu ngày hôm sau tiền mua đồ ăn thức uống cao hơn ngày trước, tháng sau chi tiêu tốn kém hơn tháng trước là họ lo lắng. Và lạm phát đối với họ chỉ đơn giản là giá tăng hay giảm.
Thực chất, theo ông Hiệp, những lo ngại của người tiêu dùng không phải là không có căn cứ. Đầu tiên, sự lo ngại này có thể là do tâm lý của người tiêu dùng khi nhìn vào những nền kinh tế lớn hơn như Mỹ, Australia hay các nước châu Âu, những nơi đang phải đối phó với vấn nạn lạm phát tăng rất cao trong thời gian gần đây.
Chẳng hạn, lạm phát ở Australia dự đoán ở mức 5%, cao nhất trong một thập kỷ. Nó dấy lên lo ngại rằng rồi sẽ đến lúc Việt Nam cũng phải đối mặt với chỉ số lạm phát cao như vậy.
Thêm nữa, đó là do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine tác động trực tiếp đến giá năng lượng, đặc biệt là xăng dầu, chi phí logistics, giao thương. Chi phí logistics xuất khẩu gia tăng đáng kể, đặc biệt xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine, hay với các nước châu Âu khác. Các dự án đầu tư liên quan đến Nga, Ukraine sẽ bị đình trệ nghiêm trọng, du lịch từ các nước này cũng bị ảnh hưởng.
Nhưng đáng lưu ý hơn cả, việc tiêu thụ xăng dầu đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của rất nhiều hàng hóa tiêu dùng. Do đó, việc giá xăng dầu tăng cao thường khiến các sản phẩm tiêu dùng khác phải tăng giá theo.
“Điều đó tác động ngay lập tức đến chi tiêu của từng hộ gia đình. Và khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những lo lắng của người tiêu dùng về các vấn đề lạm phát vẫn sẽ chưa được chấm dứt”, Ts. Hiệp chia sẻ.
Nên bình tĩnh ứng phó
Trong kết quả khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố mới đây cho thấy mức độ phân phối sản phẩm, và mức độ mua của người tiêu dùng đều giảm (mua có kế hoạch).
Cụ thể, giỏ hàng của người tiêu dùng nhiều khi có tăng về khối lượng nhưng ít về số lượng (món mua) – chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và cũng chỉ thường lựa chọn sản phẩm của một vài công ty, hay thương hiệu nhất định. Tần suất mua của người tiêu dùng cũng giảm, và chi tiêu hạn chế.
Nhận định từ cuộc khảo sát này là thị trường vẫn còn quá khó khăn, người bán ế ẩm. Hàng hóa của doanh nghiệp (DN) vẫn bị tồn đọng (tồn kho). Một số DN thuộc các mặt hàng bán chạy lại chịu ảnh hưởng bởi sự biến động về nhân công do dịch bệnh nên hoạt động sản xuất cầm chừng hiện vẫn còn khá phổ biến.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Ts. Phạm Công Hiệp lưu ý người dân cũng cần có kế hoạch tiêu dùng hợp lý và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho các kịch bản xấu hơn nếu như lạm phát gia tăng.
“Nhưng cũng tương tự như trên, chúng ta cũng nên bình tĩnh ứng phó và có kế hoạch hợp lý hơn là gom hàng tích trữ có thể gây nên lực cầu đột biến và làm giá cả hàng hóa tăng vọt”, vị chuyên gia của RMIT đưa ra lời khuyên.
Trong lúc này, để người dân bớt được gánh lo giá cả gia tăng và ám ảnh chuyện lạm phát, giới chuyên gia nhấn mạnh Chính phủ nên tiếp tục cân nhắc việc tính toán lại các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu. Nhất là sau khi giảm thuế Bảo vệ môi trường thì cần giảm tiếp các loại thuế khác như thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng.
Nhất là khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng đang phải chịu 10% thuế Tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia. Các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan, Ấn Độ… cũng đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Do vậy, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt chắc chắn giúp giá bán mặt hàng này không tiếp tục leo thang.
Bên cạnh đó, như khuyến nghị của Ts. Phạm Công Hiệp, cần có giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu từ sản xuất trong nước, tăng dự trữ xăng dầu nhập khẩu để điều tiết khi cần.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc giảm thuế, phí với xăng dầu cũng là một nỗ lực cần thiết từ chính phủ nhằm kiểm soát lạm phát. Nhà nước cũng cần thực hiện linh hoạt chính sách tài khóa và tiền tệ, kiểm soát linh hoạt yếu tố gây biến động giá xăng dầu để giảm thiểu tác động xấu đối với tăng trưởng và lạm phát.