Làm gì để người yếu thế ở Sài Gòn không bị 'bỏ lại phía sau' trong đại dịch Covid-19?

Nếu ví đợt bùng phát dịch trong hơn một tháng qua ở Sài Gòn là cơn bão Covid-19 gây khó khăn lớn cho cả thành phố, thì với những người yếu thế, họ đang chịu đựng cuồng phong.

Hưng và mẹ mưu sinh năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa tràn qua. (Nguồn: Thanhnien)

Hưng và mẹ mưu sinh năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa tràn qua. (Nguồn: Thanhnien)

1. Tối cuối tháng 6, tôi đạp xe từ nhà lên thăm quán cà phê mới mở, chưa khai trương, đóng im ỉm cả 3 tuần vì vướng giãn cách và đã gặp “người nổi tiếng”. Đó là hai mẹ con Phạm Duy Hưng (33 tuổi) và bà Trần Thị Điểm (79 tuổi) - từng xuất hiện trên vài tờ báo hồi năm ngoái.

Tôi nhớ đã xem đi xem lại chuyện của hai mẹ con họ mà vẫn xúc động như lần đầu, có lẽ vì lòng hiếu thảo của Hưng chạm vào trái tim mình. Vì thế, tôi nhận ra ngay hai mẹ con họ khi đang băng qua con dốc nơi cầu Băng Ky bắc qua trên đường Nơ Trang Long (Q. Bình Thạnh).

Tấp vào cạnh xe ve chai, đủ khoảng cách 2m theo quy định giãn cách xã hội, tôi hỏi bà cụ khỏe không? Rất mừng là bà khỏe, nhưng Hưng thì hơi mệt. Không phải vì sức khỏe kém mà bởi hơn một tháng qua Sài Gòn giãn cách chống dịch, thu nhập của hai mẹ con đã hẻo càng thêm "eo".

“Anh thấy đó, hàng quán đóng cửa hết, các con phố mới 9 giờ tối mà vắng tanh. Ngay cả ve chai cũng không có để nhặt”, Hưng vừa chất lại mấy thùng carton ít ỏi trên xe vừa nói.

Bà Điểm ngồi trên chiếc xe quen thuộc nhưng không đầy hàng như những tháng ngày chưa có dịch "càn quét" căng thẳng như thời gian qua cũng bày tỏ: “Khổ quá chú à, mà không phải mình mình…”.

Mẹ con Hưng đã "thắt lưng buộc bụng" dù trước đó, với công việc bảo vệ lương 4 triệu đồng mỗi tháng, tối đẩy mẹ nhặt ve chai cũng chỉ gói ghém phần ăn đơn sơ cho hai miệng người. Đó là chưa kể thuốc thang cho bà Điểm, nay ốm mai đau, có lúc nhớ quên do tuổi già.

“Cái quan trọng là sức khỏe của mẹ khi vào Sài Gòn đã đỡ hơn lúc trải qua những đợt rét ngoài Bắc”, chàng trai có khuôn mặt hiền lành nhìn xa xăm rồi nhìn mẹ cười.

Tôi gửi bà một bao lì xì nhỏ - những chiếc bao 30-50 ngàn đồng tôi hay để trong người để có lúc gặp hoàn cảnh khó khăn thì có thể chia sẻ kịp thời, khiến họ nhận mà không ái ngại vì số tiền mình cho. Bà cảm ơn, tôi đạp đi sau ít phút chuyện trò trong giãn cách, để đảm bảo an toàn cho nhau và cả không muốn gián đoạn công việc đang gặp khó khăn của Hưng.

2. Đúng như lời họ nói, không chỉ mỗi mình hai mẹ con họ khổ. Covid-19 đã bào mòn người nghèo. Thực tế, người nghèo, người nhập cư làm các việc chân tay đơn giản ở Sài Gòn không ít.

Năm ngoái, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP. Hồ Chí Minh, trong số 32.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố có 9.000 hộ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vì không ai thuê mướn, dịch vụ và cửa hàng mua bán ế ẩm. Sơ bộ, số người bán vé số dạo toàn thành phố gần 12.000 người… Đây là những con số được lên danh sách để nhận hỗ trợ của Nhà nước vì bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cách đây hơn một năm. Lúc đó, TP. Hồ Chí Minh dành 1.800 tỷ đồng cho an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để nhận được tiền này, họ đã chờ khá lâu do công tác lấy thông tin, tổng hợp, đề xuất, rồi ký quyết định chi, giải ngân… Trong khi họ cần hỗ trợ ngay trong thời điểm dịch giã hoành hành, họ khó khăn trong từng chi tiêu hằng ngày, trong đó có những bữa ăn thiếu hụt ngay khi dịch ập tới. Nhưng lúc nhận, Covid-19 đã được kiểm soát.

3. Điều đáng nói, không phải người lao động khó khăn, nghèo khổ nào cũng nhận được suất hỗ trợ trên do rắc rối hộ khẩu. Cậu Thanh, em ruột mẹ nuôi tôi ở Thủ Đức là một trường hợp như vậy. Vài năm trước, cậu ở chung với ông bà ngoại tại căn nhà thuộc đường 11, phường Trường Thọ.

Sau khi ông bà ngoại không còn, việc bán căn nhà chung chia cho con cháu là lẽ đương nhiên. Từ đó, cậu phải ra ở bên ngoài, thuộc tổ khác, trong khi hộ khẩu giao dịch ở địa chỉ nhà cũ. Tổ trưởng nơi cậu đang ở từ chối đưa cậu vào danh sách hưởng trợ cấp, dù cậu không thể đi bán hàng rong ở các chợ cả tháng trời, phải mượn đỡ tiền người thân để sống qua ngày.

Năm nay, dịch còn căng hơn. Chợ truyền thống bị “giăng dây” theo chỉ thị 10 của thành phố, một số chợ còn dừng hẳn để kiểm soát dịch, áp dụng tem phiếu đi chợ… Cậu Thanh đã nghỉ hơn cả tháng trong tinh thần chống dịch. Một lần nữa cậu lại lao đao vì dịch bệnh.

Cũng may, tuần trước chùa Phước Viên (Q. Bình Thạnh) có mấy trăm phần quà là gạo, mì, nhu yếu phẩm gửi người khó khăn. Tôi xin được và tặng cậu, mẹ nuôi tôi cũng “nhường cơm sẻ áo” với em bằng ít cá khô, lạp xưởng… “Mong cho hết dịch để đi bán lại, chứ hoài vậy chắc chết quá”, cậu than với tôi.

4. Giữa mùa cách ly với điệp khúc “tiếp tục tạm dừng…”, kèm theo đó là thêm ca nhiễm và điểm phong tỏa mới, người nghèo sao khỏi kiệt quệ? Mười mấy ngày liên tiếp Sài Gòn đều có vài trăm bệnh nhân Covid-19. Nỗi lo của người yếu thế ngoài dịch bệnh không biết sẽ ra sao nếu xảy tới với chính mình cùng gia đình, còn là thiếu ăn, hụt những khoản chi thiết yếu.

Theo tôi, bên cạnh chống dịch lây lan trong cộng đồng thì các ban ngành thành phố cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ người yếu thế nhanh hơn nữa. Ngoài những khoản chi hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng - phải giải ngân chậm theo đúng quy trình, thì việc xã hội hóa “bữa ăn nhanh” cho dân qua công tác kêu gọi, tập hợp những nhóm, hội, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo… vào cuộc chia sẻ là cần thiết. Khu phố giúp khu phố, quận giúp quận… theo cách người khá hơn chia sẻ với người quá khổ, đã cạn nguồn thu.

Chính quyền cũng có thể vận động các chủ trọ giảm phí nhà trọ hoặc bảo lãnh giúp người nghèo việc giãn cách trả tiền nhà cho chủ. Có thể cho trả góp chẳng hạn, bằng những cam kết sau khi hết dịch, khi đi làm lại. “Loay hoay lại tới tháng tới ngày phải trả tiền thuê trọ” là lời Hưng nói trong lúc chia sẻ những khó khăn với tôi.

Tất nhiên, cũng đã có những chủ trọ tốt bụng, miễn giảm cho người khó khăn thực sự. Cũng đã và đang diễn ra những hoạt động sẻ chia nhưng nó cần được điều tiết bởi đơn vị chức năng để vừa khuyến khích, vừa đúng và đủ đến các đối tượng khó khăn thực sự. Chủ trương “không bỏ ai lại ở phía sau” nên xuất phát từ những con người bé nhỏ đã bị bỏ lại như cậu Thanh, mẹ con bà Điểm nhập cư từ phía Bắc…

Họ đã bị bào mòn lắm rồi, bởi vốn bình thường họ đã mỏng manh giữa Sài thành.

Lưu Đình Long

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-gi-de-nguoi-yeu-the-o-sai-gon-khong-bi-bo-lai-phia-sau-trong-dai-dich-covid-19-150388.html