Làm gì để phát triển du lịch văn hóa ở Nghệ An?
Tỉnh Nghệ An hiện có 1.395 di tích đã được phân cấp quản lý, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 137 di tích quốc gia và 235 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích ở Nghệ An phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân địa phương trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc và được nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, đạo lý, phong tục truyền thống. Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để du lịch văn hóa Nghệ An phát triển.
Tỉnh Nghệ An có hệ thống di tích-di sản rất phong phú và đa dạng: Khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng và di tích văn hóa... gắn liền với những danh nhân văn hóa. Về di chỉ khảo cổ học, tiêu biểu có hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu)-một trong những nơi sinh ra của người vượn cổ cách đây khoảng 20 vạn năm. Ngoài ra, còn nhiều di chỉ khác, như: Đồi Dùng, đồi Rạng (Thanh Chương), Cồn Sò Điệp (Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu)… trong đó di chỉ khảo cổ học ở làng Vạc (Thái Hòa) là một minh chứng tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn… Nhiều công trình văn hóa có kiến trúc cổ, đẹp với những di tích nổi tiếng, như: Đình Hoành Sơn (được xem là "Đệ nhất đình miền Trung"), đình Trung Cần (Nam Đàn), đình Tám Mái, đền Cờn (Hoàng Mai), đền Bạch Mã (Thanh Chương). Nghệ An có một hệ thống di tích cách mạng, như: Hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh, những di tích thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như Truông Bồn, Km số 0-Đường Hồ Chí Minh… Đặc biệt, Nghệ An còn có nhiều di tích lưu niệm danh nhân: Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên; nhà cụ Phan Bội Châu ở Nam Đàn; nhà đồng chí Lê Hồng Phong ở Hưng Nguyên…
Theo Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, khách đến thăm các di tích hầu hết là người dân địa phương tới hành lễ cầu an và chiêm bái; số khách du lịch đến từ các tỉnh và khách nước ngoài không nhiều. Hiện nay, chỉ có Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Truông Bồn là có kết nối tour với các công ty du lịch, đưa đến lượng khách trong và ngoài nước tương đối khá, còn các di tích khác (đền, chùa…), ngoài dịp lễ hội, hầu như rất vắng khách.
Hoạt động du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Nghệ An còn rời rạc theo từng điểm di tích mà chưa có sự liên kết, phối hợp. Hệ thống di tích trong tỉnh chỉ mới tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu theo cách truyền thống. Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Lữ hành Du lịch Hải An, cho biết: “Trong bộ tour tham quan ở Nghệ An, chúng tôi luôn thiết kế đủ các điểm đến đặc trưng của địa phương, từ khám phá các lễ hội, thăm các bảo tàng, làng nghề đến tìm hiểu. Tuy nhiên, mảng du lịch tìm hiểu di tích chưa được khai thác sâu. Ngoài Khu di tích Kim Liên, các di tích khác chỉ có thể đưa khách “cưỡi ngựa xem hoa”, dễ nhàm chán. Để thu hút khách, các di tích này cần bổ sung thêm dịch vụ”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, xét về hiệu quả khai thác di tích trong du lịch thì kết quả đánh giá ở mức chưa cao. Các điểm di tích lịch sử văn hóa tại Nghệ An mới được quan tâm ở góc độ bảo tồn di sản văn hóa mà chưa được quan tâm ở góc độ là điểm tham quan du lịch. Nhìn chung, hoạt động du lịch tại các điểm di tích ở Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm dịch vụ du lịch ở đây còn nghèo nàn, chất lượng thấp. Hầu hết hoạt động du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn còn mang tính tự phát, chưa tạo được nguồn thu từ du lịch. Thậm chí, một số trường hợp việc bảo tồn di tích trở thành “gánh nặng” cho ngân sách nhà nước.
Hiện nay, các điểm di tích lịch sử văn hóa mới được quan tâm ở Nghệ An đều mang tính chất bảo tồn văn hóa, đang dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư khai thác trong du lịch. Bởi vậy, cần đổi mới cơ chế chính sách để đẩy mạnh khai thác di sản văn hóa trong du lịch nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào phát triển du lịch. Ngoài một số điểm du lịch như Khu di tích Kim Liên, Truông Bồn, nhà lưu niệm Lê Hồng Phong, trên địa bàn Nghệ An chưa có lực lượng thuyết minh, hướng dẫn tại các điểm du lịch. Bởi vậy, cần hình thành và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên-thuyết minh viên du lịch. Các hướng dẫn viên tại điểm này có nhiệm vụ chính là tổ chức, hướng dẫn khách tham quan ở những điểm du lịch trên địa bàn, có nhiệm vụ thiết kế các tuyến, điểm du lịch và kết nối với điểm du lịch lân cận một cách linh hoạt, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch theo nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Lựa chọn khôi phục và tôn tạo một số khu di tích lịch sử để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, trên cơ sở có sự phối hợp chặt chẽ, liên kết với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh; khai thác một số lễ hội, phong tục, tập quán truyền thống của các dân tộc miền Tây xứ Nghệ để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng... chính là những giải pháp nhằm thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Nghệ An, gắn điểm đến Nghệ An vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng… Ngoài ra, cần đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, sách chuyên khảo, hệ thống hình ảnh, băng đĩa và internet về du lịch Nghệ An.
Các di sản văn hóa vẫn đang là tài nguyên quan trọng nhất ảnh hưởng tới sự thành bại của ngành du lịch Nghệ An. Bởi vậy, việc khai thác di tích-di sản văn hóa với mục đích du lịch là hoạt động đương nhiên. Vấn đề đặt ra là khai thác như thế nào để có lợi nhất, hài hòa nhất, bền vững nhất. Không giải pháp nào có thể áp dụng cho tất cả các di tích-di sản mà phải căn cứ vào thực tiễn để nghiên cứu và hoạch định trên cơ sở tôn trọng giá trị di tích, sự bền vững của di tích cũng như các hoạt động của du lịch.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/lam-gi-de-phat-trien-du-lich-van-hoa-o-nghe-an-609255